Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu
Sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3.
Ông Trump cam kết nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ, đồng thời cảnh báo mức thuế có thể được nâng lên cao hơn. Như vậy, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Ông Trump cũng bổ sung quy định mới, yêu cầu thép nhập khẩu phải được "nung chảy và đúc" tại Bắc Mỹ để hạn chế thép từ Trung Quốc vào Mỹ, nhôm cũng vậy.

Ngay sau khi được ban hành, chính sách thuế mới của Mỹ đang làm dấy lên làn sóng lo ngại trên toàn cầu. Không chỉ bổ sung vào các mức thuế hiện có, điều này còn tác động mạnh đến giá cả, lợi nhuận doanh nghiệp.
Đơn cử, thị trường tài chính quốc tế lập tức phản ứng mạnh mẽ. Giá cổ phiếu của nhiều công ty thép lớn tại châu Á và châu Âu lao dốc trong ngày 10/2. Tại Hàn Quốc, cổ phiếu Hyundai Steel giảm 2,9%, trong khi các doanh nghiệp khác như Dongkuk Steel cũng chịu chung số phận. Thị trường Ấn Độ chứng kiến chỉ số ngành kim loại giảm 2,5%, đánh dấu một trong những phiên giao dịch ảm đạm nhất trong thời gian gần đây.
Hyundai Steel - nhà cung cấp thép cho các nhà máy sản xuất ô tô của Hyundai và Kia tại Mỹ - thậm chí đang cân nhắc xây dựng một nhà máy thép mới tại Mỹ để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách thuế mới.
Bên cạnh chứng khoán, thị trường hàng hóa cũng chịu ảnh hưởng. Reuters cho biết giá các hợp đồng quặng sắt tương lai (nguyên liệu chính để sản xuất thép) đã giảm vào ngày 10/2 do lo ngại về thuế quan khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng, bất chấp dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc - nước tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
Doanh nghiệp Việt và bài toán áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu
Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 đến nay. Như vậy, với chính sách thuế mới của Mỹ lần này, thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% lên 25%. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Mỹ là thị trường lớn thứ ba trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam với thị phần 13%, sau EU (23%) và ASEAN (26%). Các thị trường khác như Ấn Độ chiếm 6%, Đài Loan 4%, Brazil 3%, Thổ Nhĩ Kỳ 3%, Hàn Quốc 2%, Anh 2%.
Với xuất khẩu nhôm, đại diện Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) cũng cho biết Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nhôm thuộc top đầu của Việt Nam với thị phần khoảng 60%. “Nếu Mỹ tuyên bố và áp dụng ngay lập tức mức thuế 25% với nhôm nhập khẩu thì chắc chắc các doanh nghiệp sẽ rất lo lắng. Hiện thị trường Mỹ đang chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu nhôm của Việt Nam” - đại diện VAA cho biết.

Liên quan đến mức thuế mới của Mỹ, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương nhận định, hiện tại Việt Nam chưa chịu nhiều tác động trực tiếp trong vụ việc này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chịu các ảnh hưởng gián tiếp, bởi các cuộc chiến tranh thương mại có thể gây ra gián đoạn sản xuất, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý về tình trạng gian lận xuất xứ. Do đó cần có giải pháp để siết chặt, ngăn chặn tình trạng này.
Ngoài ra, sau những động thái vừa qua, Mỹ có thể sẽ tiếp tục đánh thuế quan vào nhiều nước khác, đặc biệt là những nước có xuất siêu quá lớn sang Mỹ. Việt Nam hiện cũng đang xuất khẩu nhiều sang Mỹ, nên cũng cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho hay từ năm 2018 đến nay, thép Việt xuất khẩu sang Mỹ đã bị áp thuế 25%. Do vậy, chính sách thuế mới lần này của Mỹ về cơ bản vẫn duy trì như vậy. Ngoại trừ một số công ty Việt được miễn trừ áp thuế giai đoạn trước thì lần này cũng bị áp thuế 25%. Còn nhôm thì đang áp thuế 10% sẽ tăng lên 25%.
Hiện Mỹ phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu thép (chiếm 12-15%) và nhôm (chiếm 40-45%). Khi Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, ta vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu. Vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Chỉ có điều, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm xuống.
“Khi các nước cùng bị áp thuế chung thì doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh. Vì hiện sản phẩm nhôm, thép của Việt Nam được nhà nhập khẩu ưa chuộng vì chất lượng và giá thành sản phẩm. Các công ty Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia như Canada, Mexico, Brazil. Điều này giúp các doanh nghiệp thép, nhôm của Việt Nam giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá và cải thiện lợi nhuận” – ông Hưng nói.
Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu
Trong diễn biến liên quan, một số chuyên gia khác cho hay, tăng thuế có thể có lợi cho ngành nhôm và thép của Mỹ, nhưng ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung do chi phí nhập khẩu tăng, đồng thời đe dọa gia tăng đối đầu thương mại giữa Mỹ và các nước khác.
Trước động thái này, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng đó, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công thương và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Việc áp thuế cũng được nhận định sẽ khiến lạm phát của nước Mỹ tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản, nhu cầu sử dụng lớn tại nước này. Vì thế, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng với lợi thế của hàng Việt Nam là giá cạnh tranh, chất lượng tốt, sẽ bổ trợ cho nền kinh tế Mỹ, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ cơ cấu ngoại thương hai nước.
Doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại, khi hiện đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và hai vụ việc điều tra với nhôm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.