Ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý thuế

Tổng cục Thuế cho biết, một trong những ứng dụng nổi bật là việc sử dụng công nghệ AI để phát hiện các giao dịch bất thường và nhận diện rủi ro của người nộp thuế.

Tổng cục Thuế xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cốt lõi nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách và phát triển bền vững. Theo đó, ngành thuế đã thực hiện cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục rườm rà, áp dụng hóa đơn điện tử, áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu thuế, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, kết nối máy khởi tạo tính tiền với cơ quan thuế, đồng bộ mã số thuế với số căn cước công dân… giúp người nộp thuế tiết kiệm thời gian và chi phí.

Theo Tổng cục Thuế, một trong những ứng dụng nổi bật là việc sử dụng công nghệ AI để phát hiện các giao dịch bất thường và nhận diện rủi ro của người nộp thuế. Hệ thống phân tích thông minh sẽ tự động quét và xử lý dữ liệu, đưa ra cảnh báo kịp thời để người nộp thuế có biện pháp điều chỉnh phù hợp, từ đó giảm thiểu các sai sót không mong muốn.

Cạnh đó, công nghệ phân tích dữ liệu lớn được triển khai nhằm phục vụ dự báo và hoạch định số thu ngân sách nhà nước. Nhờ vào khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ, các mô hình phân tích hiện đại giúp cơ quan thuế đưa ra các quyết định quản lý chính xác và phù hợp với thực tế.

Sử dụng công nghệ AI phát hiện các giao dịch thuế bất thường. Ảnh minh họa

Hiện nay, để nâng cao trải nghiệm của người nộp thuế, ngành thuế đang mở rộng triển khai hệ thống Chatbot AI trên phạm vi toàn quốc, cho phép người nộp thuế tìm hiểu thông tin, giải đáp thắc mắc về chính sách và thủ tục thuế một cách nhanh chóng, chính xác và thuận tiện, mà không cần đến trực tiếp cơ quan thuế.

Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số của ngành thuế là việc thí điểm triển khai Trợ lý ảo cho công chức thuế trong quản lý nợ tại Cục Thuế Hà Nội từ tháng 1/2025. Trợ lý ảo không chỉ hỗ trợ cán bộ trong việc theo dõi và xử lý nợ thuế mà còn tối ưu hóa thời gian và nguồn lực, giúp tăng hiệu quả công việc.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng sẽ xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý rủi ro trên cơ sở thu thập dữ liệu từ các ứng dụng tác nghiệp và từ các bên thứ 3 (ngân hàng, cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan công an…) hoặc dữ liệu thu thập từ mạng xã hội, internet. Từ đó phân tích theo các tiêu chí hoặc áp dụng trí tuệ nhân tạo (phân tích dữ liệu lớn, sử dụng phương pháp máy học) phục vụ quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, chống chuyển giá, giao dịch liên kết, quản lý thuế đối với bất động sản...

Theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết, Cục Thuế TP Hà Nội hiện quản lý trên 236.000 doanh nghiệp, 235.000 hộ kinh doanh và trên 10 triệu mã số thuế cá nhân. Thời gian qua, ngành thuế Hà Nội đã ứng dụng AI để xây dựng mô hình quản lý, khai thác thông tin, phân tích rủi ro hóa đơn của hệ sinh thái doanh nghiệp, chuỗi doanh nghiệp trung gian liên quan đến doanh nghiệp hoàn thuế, từ đó phát hiện các giao dịch mua bán lòng vòng, phục vụ kiểm soát rủi ro trong công tác hoàn thuế GTGT.

Tại TP.HCM, Cục Thuế TPHCM cũng đã có những bước đi nghiên cứu, ứng dụng AI toàn diện vào công tác quản lý thuế. Theo một cán bộ lãnh đạo ngành thuế TPHCM, hiện nay hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp diễn ra vô cùng tinh vi, nếu không có công nghệ AI hỗ trợ thì rất khó kiểm soát.

Trước đó, ông Phạm Quang Toản, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế cũng cho biết, thời gian qua ngành thuế đã tích cực ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, phòng chống gian lận. Cụ thể, trong công tác quản lý rủi ro, ngành thuế đã triển khai hệ thống phân tích dữ liệu lớn trong phân loại hoàn thuế tự động, giúp phát hiện các hành vi bất thường và đưa ra các chuỗi cảnh báo rủi ro trong quản lý thuế. Trong công tác hoàn thuế, việc triển khai hóa đơn điện tử giúp tăng cường khả năng giám sát, phát hiện gian lận, đối chiếu hóa đơn và tờ khai thuế giá trị gia tăng, từ đó kiểm soát chặt chẽ công tác xét hoàn thuế.

Năm 2025, ngành thuế sẽ ứng dụng triệt để cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML) vào các khâu, các bước công tác quản lý thuế. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ như phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro; tự động hóa công tác quản lý nợ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thanh tra, kiểm tra, trong rà soát văn bản hành chính.