Nhìn vào số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm nay đạt 1.028.402 hợp đồng, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 31,3%.
Theo đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2%, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45%, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, còn sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2% giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7%, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 17,6%. Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 0,7%, giảm 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 7,4%, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 44,9%, trong đó, chiếm tỷ trọng 6,5% là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, hiếm tỷ trọng 0,05% là sản phẩm bảo hiểm hưu trí và sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm tỷ trọng 0,77%.
Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ là 13.354.376 hợp đồng, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 0,2%. Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỉ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (chiếm 52,3%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (chiếm 23,2%).
6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường ước đạt 15.508 tỷ đồng giảm 38,2 % so với cùng kỳ năm trước.
Về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, Prudential với 2.741 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.046 tỷ đồng, Manulife với 1.976 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 1.912 tỷ đồng và Sun Life với 1.183 tỷ đồng.
Trước đó, về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2022 dẫn đầu là Manulife với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.678 tỷ đồng và MB Ageas với 2.197 tỷ đồng.
Như vậy, Manulife đã đánh mất vị trí quán quân về doanh thu phí khai thác mới vào tay đối thủ đứng kế sau là Prudential.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 77.831 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 7,9%. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 55,2%. Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 16%. Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2% còn sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,9%. Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,78%. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,3%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,7%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,05%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,46%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,0004%.
Theo CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), giai đoạn đầu năm 2023 ngành bảo hiểm phải đối mặt cuộc khủng hoảng xảy ra. Những lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã khiến niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại nước ta.
Vietnam Report cho biết, những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông đã khiến thị trường Bảo hiểm trong năm nay phải lao đao. Có 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report cho rằng những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm nay.
Theo thống kê của Vietnam Report, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh bancassurance và vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã làm lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần (từ 4,7 nghìn lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73 nghìn lượt thảo luận/ngày vào tháng 4/2023).
Những sự việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của khách hàng về ngành Bảo hiểm, từ đó đẩy chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao nhất trong 3 năm qua.
Sau khi những sự việc trên liên tiếp xảy ra, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã được đẩy lên 54,0% (gấp 19 lần). Theo đánh giá từ Vietnam Report, chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành bảo hiểm nói chung và DNBH nói riêng và cũng có thể làm gia tăng lượng khách hàng muốn hủy hợp đồng bảo hiểm.