Bảo hiểm Prudential: Khách đua nhau hủy hợp đồng, nhận gần 2 nghìn khiếu nại

Sau quá trình thanh tra, Bộ Tài chính chỉ ra rằng, tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất đối với các HĐBH khai thác qua kênh bancass của Prudential lên tới 41%. Cùng với đó, một năm, doanh nghiệp này tiếp nhận khoảng gần 2 nghìn khiếu nại của “thượng đế”.

Đua nhau hủy hợp đồng, khiếu nại

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Kết luận thanh tra số 812/KL- BTC về việc thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Cty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (viết tắt là Prudential Việt Nam).

Prudential Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được thành lập tại Việt Nam theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 15 GP/KDBH cấp lại ngày 08 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tài chính. Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp này là kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, kinh doanh tái bảo hiểm, quản lý quỹ, đầu tư vốn theo quy định pháp luật.

Năm 2021, Prudential Việt Nam triển khai bán bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng (bancass) bao gồm: Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng TNHH MTV United Overseas (UOB), Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan).

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 6.184,574 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 3.700,258 tỷ đồng, tương ứng 54,89% tổng doanh thu phí khai thác mới. Công ty hạch toán chi phí chi trả cho các đại lý bảo hiểm là ngân hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổng số tiền là 1.972,114 tỷ đồng.

Năm 2021, Prudential Việt Nam phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) qua kênh bancass, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất đối với các HĐBH khai thác qua kênh bancass (tính theo phí bảo hiểm) là 59%. Như vậy, tỷ lệ khách hàng hủy, bỏ hợp đồng sau năm thứ nhất lên tới 41%.

Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ta, trong năm 2021, doanh nghiệp này nhận tới 1.799 thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh bancass. Prudential Việt Nam khẳng định, qua điều tra, xử lý thông tin khiếu nại từ khách hàng, đã phát hiện vi phạm của 10 đại lý bảo hiểm và 25 nhân viên ngân hàng trong hoạt động đại lý.

Nhân viên, đại lý bảo hiểm bất tuân quy định

Bộ Tài chính cho hay, qua thanh tra chọn mẫu, phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm, cụ thể như sau:

– Có 04 đại lý bảo hiểm cá nhân, 13 nhân viên ngân hàng chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục, các bước thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm do Công ty quy định;

– Có 03 đại lý bảo hiểm cá nhân, 03 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm của Công ty;

– Có 03 đại lý bảo hiểm cá nhân, 03 nhân viên ngân hàng chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng theo quy định của Công ty;

– Có 10 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm của Công ty.

Về mặt tài chính, kết luận thanh tra chỉ ra, Prudential Việt Nam đã hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021 là trái đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế với tổng số tiền hơn 740 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, với lợi nhuận khổng lồ từ các “thượng đế”, doanh nghiệp này đã chi trả chi phí hỗ trợ ban đầu, phí hợp tác cho các đại lý tổ chức là ngân hàng nêu bên trên với tổng số tiền là 4 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc Prudential Việt Nam thực hiện ngay xử lý tài chính với số tiền hơn 740 tỷ đồng xác định trái quy định pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Prudential Việt Nam rà soát việc thực hiện biểu phí sản phẩm bảo hiểm tín dụng (bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần, Bảo Tín Hưng Gia), đảm bảo thực hiện đúng biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý việc triển khai bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp này hoàn thiện việc xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện các quy trình, quy chế theo quy định pháp luật, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy trình nghiệp vụ và quy định nội bộ.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Prudential Việt Nam khi tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Vừa qua, sau những lùm xùm liên quan lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra tại 4 đơn vị gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Kết quả thanh tra cho thấy, việc triển khai bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Thông qua kết quả thanh tra, Bộ Tài chính khẳng định, trong năm 2023 sẽ tiếp tục thanh tra thêm 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Đây là biện pháp ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm; có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm.