Khách chịu đau mất hàng trăm tỷ
Bộ Tài chính vừa có kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ (BHNT) qua mô hình ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm (bancass) gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife.
Trong 4 DN, Prudential Việt Nam có mạng lưới phân phối qua bancass lớn nhất khi hợp tác với: Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB); Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank); Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank), Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank); Ngân hàng TNHH MTV United Overseas (UOB); Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan).
Năm 2021, doanh thu phí qua bancass của Prudential Việt Nam đạt gần 6.200 tỷ đồng, tương ứng 21,48% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua bancass đạt hơn 3.700 tỷ đồng, tương ứng 54,89%. Prudential Việt Nam phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua bancass, tỷ lệ duy trì hợp qua năm thứ nhất với các hợp đồng qua bancass tính theo phí bảo hiểm là 59%. Sau năm đầu tiên, có tới 41% khách hàng huỷ hoặc mất hiệu lực hợp đồng tương đương 38.540 hợp đồng bảo hiểm bị huỷ. Theo thông lệ, khi hủy hợp đồng trong năm đầu tiên khách sẽ lấy lại được tỷ lệ phí rất thấp, điều đó có nghĩa khách hàng đã mất đi hàng trăm tỷ khi hủy hợp đồng. Số tiền đó là khoản phân chia giữa DN bảo hiểm và ngân hàng.
Sun Life Việt Nam, bắt tay bancass với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB). Năm 2021, tổng phí bảo hiểm qua bancass đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí. Doanh thu khai thác mới qua bancass đạt gần 2.000 tỷ đồng, tương ứng 82,27%. Trong đó, doanh thu phí qua ACB đạt hơn 1.200 tỷ đồng (chiếm 61,26%) và doanh thu phí bảo hiểm qua TPB đạt gần 790 tỷ đồng (chiếm 38,74%). Sun Life Việt Nam phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua bancass, trong đó có 3.247 hợp đồng bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (chiếm 4,05% ), tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng trong năm thứ nhất với các hợp đồng qua TPB là 73%, qua ACB là 39%.
Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas hợp tác bancass qua Ngân hàng TMCP Quân đội và Công ty tài chính M.Credit. Tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass năm 2021 đạt hơn 4.466 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng doanh thu. Doanh thu khai thác mới qua bancass đạt hơn 2.820 tỷ đồng, tương ứng 74%. Năm 2021, MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua bancass, trong đó 3.946 hợp đồng bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 5,91% ), hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng qua năm thứ nhất là 32,4%. Tính ra, số tiền khách hàng bị mất đi khi tất thanh lý sớm cũng lên tới cả trăm tỷ.
BIDV Metlife chỉ hợp tác bancass qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm thông qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua BIDV đạt hơn 452,6 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới. Với hơn 21.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, sau năm đầu tiên có tới 39,4% khách hàng huỷ hợp đồng. Dù thấp hơn các DN trên nhưng số tiền khách hàng bị bảo hiểm ‘chiết’ cũng trên dưới 100 tỷ đồng.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đánh giá, loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam. Tình trạng tư vấn viên tư vấn không đúng, cố tình tư vấn mập mờ cho khách hàng đã diễn ra trong thời gian dài, khiến khách hàng gặp không ít khó khăn và mất niềm tin vào bảo hiểm.
Theo các chuyên gia, BHNT là dịch vụ tài chính lâu đời và quy định rất chặt chẽ thế những “lỗi” tuyên truyền quảng cáo sai về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp để chạy theo chỉ tiêu kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm.
Thực tế qua các vụ lùm xùm cho thấy, các tư vấn viên thường chỉ tư vấn "lấp lửng", chỉ nhắc đến cái lợi trước mắt cho khách hàng mà ít khi đề cập tới rủi ro và các điều khoản loại trừ cho khách hàng khi tham gia sản phẩm. Đối với các dòng sản phẩm đầu tư như sản phẩm liên kết đơn vị, đa phần tư vấn viên tư vấn đây là dòng sản phẩm có lãi suất cao hơn ngân hàng. Trong khi đó, khách hàng cứ nghĩ bảo hiểm như gửi tiết kiệm có lãi suất cao và được bảo vệ sức khoẻ nên mới tham gia. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các mâu thuẫn hợp đồng sau này.
Kết quả thanh tra của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tại 4 DN bảo hiểm đã chỉ rõ: “Việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới”.
Doanh thu lớn, hãng bảo hiểm đổ tiền vào đâu?
Theo Báo cáo tài chính Sun Life Việt Nam, kết thúc năm 2022 lỗ sau thuế tới 1.469 tỷ đồng; năm 2021 công ty này cũng lỗ 1.444 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, doanh thu thuần từ bảo hiểm của Sun Life Việt Nam năm 2022 đạt 5.173 tỷ đồng, tăng 2.159 tỷ đồng, tương đương tăng gần 72% so với năm 2021. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty cũng tương ứng tăng 40,7% từ 1.961 tỷ đồng lên 2.761 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Sun Life Việt Nam là 19.029 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền hơn 422 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sun Life Việt Nam còn 2.961 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Ngoài ra, Sun Life Việt Nam có hơn 4.762 tỷ đồng tiền đầu tư tài chính dài hạn; trong đó, DN nắm giữ 3.213 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, 1.394 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp… Dù doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế của Sun Life Việt Nam trong 2 năm (2021, 2022) lại liên tục báo lỗ.
Với Prudential Việt Nam, theo báo cáo tài chính riêng kết thúc ngày 31/12/2022, doanh thu thuần bảo hiểm đạt 30.557 tỷ đồng, tăng 2.282 tỷ đồng so với năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính bất ngờ giảm mạnh từ 10.853 tỷ đồng (năm 2021) xuống còn 4.025 tỷ đồng (năm 2022), tương đương mức giảm tới 63%. Đáng chú ý, trong năm 2022, chi phí bán hàng tăng thêm 1.247 tỷ đồng, tương đương tăng 27% so với năm 2021. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty năm 2022 cũng tăng thêm 384 tỷ đồng, từ 2.217 tỷ đồng lên 2.602 tỷ đồng, tăng 17%. Mặc dù các chi phí tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng mạnh. Cụ thể, năm 2022, Prudential Việt Nam lãi 3.636 tỷ đồng, tăng gần 669% so với con số 472 tỷ đồng của năm 2021.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Prudential Việt Nam là 161.750 tỷ đồng, tăng 13.598 tỷ đồng, tương đương mức tăng 9,17% so với cùng kỳ năm 2021 là 148.151 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là các khoản tiền đầu tư vào trái phiếu hơn 78.600 tỷ đồng, gửi ngân hàng hơn 51.300 tỷ đồng và 11.547 tỷ đồng các khoản đầu tư từ các quỹ liên kết.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của MB Ageas, doanh thu bảo hiểm đạt 6.395 tỷ đồng, tăng gần 760 tỷ đồng, tương đương tăng 13,4% so với con số 5.635 tỷ đồng của năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng thêm gần 236 tỷ đồng, tương đương tăng 78% so với năm 2021. Mặc dù ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, thế nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty giảm hơn 156,2 tỷ đồng, tương đương mức giảm 70,7% từ 220,6 tỷ đồng (năm 2021) xuống còn 64,4 tỷ đồng (năm 2022).
Tổng cộng tài sản tính đến ngày 31/12/2022 của MB Ageas là 9.575 tỷ đồng, tăng gần 2.344 tỷ đồng, tương đương mức tăng 32,5% so với đầu năm (7.225 tỷ đồng). Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 172,3 tỷ đồng. Ngoài ra, MB Ageas còn có hơn 1.806 tỷ đồng tiền đầu tư ngắn hạn. Bên cạnh đó, MB Ageas còn hơn 5.925 tỷ đồng tiền đầu tư tài chính dài hạn.
Tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của MB Ageas Life tăng 41,4% so với đầu năm, ghi nhận hơn 7.803 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ tăng 4%, đạt hơn 1.771 tỷ đồng so với 1.707 tỷ đồng số đầu năm. Kết thúc năm 2022, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của MB Ageas cao gấp 4,4 lần, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 3,23 lần.
Đối với BIDV Metlife, tại báo cáo tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, doanh thu hoạt thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 1.702 tỷ đồng, tăng 186 tỷ đồng, tương đương tăng 35% so với con số 1.533 tỷ đồng của năm 2021. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty năm 2022 đạt 238 tỷ đồng, tăng 23,3%.
Trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế tăng 128,6% so với 2021, tăng thêm 48 tỷ đồng từ 37,3 tỷ đồng lên 85,3 tỷ đồng (năm 2022).
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của BIDV Metlife là 4.801 tỷ đồng, tăng 725 tỷ đồng, tương đương tăng 17,7% so với đầu năm (4.076 tỷ đồng). Chiếm phần lớn tài sản của công ty là các khoản đầu tư tài chính. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của BIDV Metlife là 1.719 tỷ đồng và đầu tư tài chính dài hạn 2.588 tỷ đồng. Ở khoản đầu tư tài chính dài hạn, BIDV Metlife dành 320,1 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của công ty là 4.040 tỷ đồng, tăng 640 tỷ đồng, tăng gần 19% so với đầu năm (3.400 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu của công ty là 760,7 tỷ đồng, tăng 85,3 tỷ đồng, tương đương mức tăng 12,6% so với đầu năm.