Lập tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản tại một số tỉnh.

Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng.

Cụ thể, Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ phó gồm ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Các thành viên gồm ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.

null

Vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ. (Ảnh minh hoạ)

 

Nhiệm vụ của tổ công tác, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP.Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương

Tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.

Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác có quyền hạn, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, Bộ Xây dựng quyết định thành lập Nhóm giúp việc của Tổ công tác. Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan có trách nhiệm cử thành viên tham gia Nhóm giúp việc của Tổ công tác theo đề nghị của Bộ Xây dựng. Thành viên Nhóm giúp việc có trách nhiệm đề xuất, tham mưu, tổng hợp các nội dung làm việc của Tổ công tác trong phạm vi nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của cơ quan mình theo chỉ đạo, phân công của lãnh đạo Tổ công tác.

Trước đó, sáng 8/11, đại diện nhiều doanh nghiệp địa ốc đã có buổi họp cùng Chính Phủ và Bộ Xây dựng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cuộc họp có sự tham gia của 19 Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phía Nam. Cuộc họp diễn ra song song tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với sự tham dự của khoảng 15 Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.

Các bên tham gia dự họp tại TP.HCM đã tập trung vào 10 vấn đề. Trong đó, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “Ban công tác đặc biệt” hoặc “Tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi.

Huyền Diệu