Đế chế vàng bạc đá quý Doji lấn sân bất động sản và những lùm xùm

Sau những thành quả đạt được trong lĩnh vực truyền thống là kinh doanh vàng bạc đá quý, Doji bắt đầu mở rộng lĩnh vực đầu tư sang kinh doanh bất động sản kể từ năm 2014, mở đầu bằng việc thành lập của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land.

Doji đã được biết tới như một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành. Tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/7/1994 bởi ông Đỗ Minh Phú, TTD sớm tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế, vốn là một lĩnh vực vô cùng mới mẻ tại Việt Nam.

Năm 2007, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại Doji. Cùng năm này Doji chính thức khai trương Ruby Plaza tại Hà Nội vào ngày 30/6 - một trong những trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Năm 2009, Doji chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Từ thời điểm này, Doji bắt đầu mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực thay vì chỉ vàng bạc, đá quý.

Ông Đỗ Minh Phú, người sáng lập "đế chế" vàng bạc đá quý Doji.

Tính đến nay, Doji có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán...

Theo VietnamFinance, danh sách 15 công ty thành viên của Doji gồm: Công ty TNHH Thế Giới Kim Cương, Công ty Cổ phần Thế giới Kim Cương TGKC, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land, Công ty Cổ phần VBĐQ SJC Hà Nội, Công ty Cổ phần VBĐQ SJC Đà Nẵng, Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, Công ty Cổ phần Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Doji...

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Tập đoàn Doji hoạt động theo hình thức tham gia tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank). Liên kết góp vốn gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Công ty CP Diana Unicharm, Công ty CP Đầu tư phát triển N&G,..

Lấn sân mảng bất động sản

Bên cạnh đó, Doji còn lấn sân sang mảng bất động sản, những năm gần đây, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào mảng này khi thực hiện các thương vụ thâu tóm quỹ đất, dồn dập huy động vốn cho mục đích mở rộng đầu tư, phát triển ở lĩnh vực bất động sản.

Thông tin trên Vnfinance.vn, năm 2014, Doji mở đầu bằng việc thành lập của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land.

Hiện tại, Doji Land sở hữu nhiều dự án “đất vàng” tọa lạc tại vị trí trung tâm các thành phố lớn như: Tòa nhà Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội do Doji hợp tác đầu tư với Hapro đang được Doji sử dụng làm trụ sở chính; tòa nhà Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội; tòa nhà Ruby Tower số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM.

Doanh nghiệp còn là chủ đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khu đô thị với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ như dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh với quy mô 4,77 ha, tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng; Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án Khu Du lịch sinh thái Hồ Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc gần 220 ha...

Trên website dojiland.vn, trong danh mục dự án của doanh nghiệp còn có các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp như Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có quy mô 44,4 ha tổng mức đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng.

Ở mảng bất động sản khu công nghiệp, dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội HANSSIP của Doji Land được giới thiệu có quy mô khoảng 640ha và định hướng mở rộng lên 2000ha, nằm trên địa bàn xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo Doji Land, HANSSIP có điều kiện giao thông vô cùng thuận tiện để có thể sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Phối cảnh dự án The Sapphire Residence tại TP Hạ Long của Doji.

Được biết, trong tháng 7/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở và thương mại, dịch vụ cao cấp tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu. Dự án có tổng diện tích khoảng 29,86 ha, tổng mức đầu tư 4.750 tỷ đồng. Hai nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án gồm BCG và liên danh của Doji với hai công ty thành viên là Doji Land và Công ty Đầu tư Bất động sản Blue Star.

Tháng 9/2019, giới đầu tư địa ốc xôn xao thông tin Doji đã thâu tóm thành công dự án Hải Phòng Plaza tại Phường Đông Hải 1, Quận Hải An, Thành phố Hải Phòng từ CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã CK: SCR) khi ông Đỗ Minh Đức xuất hiện tại Công ty cổ phần thương mại Hải Phòng Plaza – chủ đầu tư dự án Hải Phòng Plaza với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.

Ông Đức là con trai của ông Đỗ Minh Phú, người sáng lập Doji. Hiện ông Đức còn giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doji, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DojiLand.

Trên website doji.vn, dự án Hải Phòng Plaza được giới thiệu là khu phức hợp cao cấp gồm các sản phẩm căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, sự kiện,…

Những  lùm xùm trong lĩnh vực địa ốc của Doji

Đáng chú ý, trước khi sở hữu quỹ đất khủng với hàng loạt dự án đình đám, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji từng vướng nhiều “tai tiếng” tại dự án tại khu đất vàng số 5 Lê Duẩn (quận Ba Đình, Hà Nội) bởi công trình “dát vàng” này đã được triển khai xây dựng 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa “cán đích.

Theo đó, dự án "Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp" số 5 Lê Duẩn được khởi công xây dựng vào ngày 30/7/2010 do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji hợp tác đầu tư. Theo giới thiệu, đây là dự án "đất vàng" tọa lạc ngay giữa ngã tư Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, công trình có phong cách kiến trúc rất đặc biệt và mang nét đặc trưng của Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji. Tòa nhà lấy ý tưởng là một viên Ruby đặt trên một chiếc nhẫn kim cương, biểu tượng cho sức mạnh, bền vững và sự vĩnh cửu.

Thời điểm được UBND TP chấp thuận đầu tư, theo Giấy phép xây dựng (GPXD) số 91, ngày 15/7/2010, dự án có chiều cao 9 tầng nổi, 3 tầng hầm và 1 tum thang, được xây dựng trên khu đất rộng 1.624m2. Đơn vị thi công dự án là Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).

Đến năm 2017, dự án bất ngờ được thi công trở lại. Đáng chú ý, tòa nhà đã tăng quy mô chiều cao tầng công trình so với Giấy phép xây dựng ban đầu. Hiện tại, tòa nhà có chiều cao 16 tầng nổi, đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Ngoài ra, dự án còn vướng nhiều “lùm xùm” về nguy cơ mất an toàn, vi phạm quy định về PCCC...

Một dự án khác của Doji cũng gây nhiều tranh cãi khi Doji Land rầm rộ rao bán căn hộ condotel có "quyền sở hữu lâu dài" ở Hạ Long, Quảng Ninh.

Các thông tin quảng cáo "sở hữu trọn đời" khi rao bán căn hộ condotel tại dự án Best Western Premier Sapphire Hạ Long.

Đầu năm 2019, Doji ra mắt sản phẩm căn hộ condotel tại dự án Best Western Premier Sapphire Hạ Long. Tại dự án này, doanh nghiệp đã tung ra thị trường địa ốc hơn 1.000 căn hộ condotel và chính thức góp mặt ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng.

Best Western Premier Sapphire Hạ Long được giới thiệu là một khu Dịch vụ hỗn hợp cao cấp tại Phường Hồng Gai, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Dự án có chiều cao 31 tầng nổi với quy mô hơn 1.000 căn hộ condotel có diện tích từ 35-70m2 có giá bán khoảng từ 1,8 tỷ đồng.

Thời điểm mở bán, các căn hộ condotel tại dự án Best Western Premier Sapphire Hạ Long được rao bán và giới thiệu là có "pháp lý minh bạch" và "quyền sở hữu lâu dài" (sổ đỏ lâu dài), tránh các vấn đề rủi ro về pháp lý… Trong khi đó, pháp lý các dự án condotel chỉ được cấp phép đất thương mại dịch vụ, có hạn sử dụng, thời gian hoạt động của dự án thường ở mức 50 – 70 năm.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều dự án vẫn quảng cáo, hứa hẹn với khách về sổ đỏ lâu dài và thậm chí, một số địa phương đã “xé rào”, cấp sổ đỏ trái luật cho căn hộ condotel. Kết quả, nhiều địa phương đã phải thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài, đã cấp sai quy định cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Vì vậy, căn hộ condotel tại dự án Best Western Premier Sapphire Hạ Long được giới thiệu với cam kết có sổ đỏ lâu dài đã gây nhiều hoang mang cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu và có ý định đầu tư căn hộ tại dự án.

Bảo Khánh (T/H)