Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 9 dự án tái định cư với gần 2.500 căn hộ. Có 2 dự án đã hoàn thành nghiệm thu, đã bố trí tái định cư, chưa đưa vào sử dụng, là: dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất NO15,16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và dự án xây dựng nhà B, C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai).
Các dự án còn lại như: Dự án khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại ô đất CT4 khu tái định cư tập trung Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm); dự án xây dựng nhà ở GPMB tại nhà N01 lô đất C17 tại khu đô thị mới Cầu Giấy..., đã được TP.Hà Nội bố trí tái định cư phục vụ cho các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, quá trình đưa nhà tái định cư vào sử dụng đang gặp khó khăn.
Chẳng hạn như có nhà tái định cư được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.
Ngoài ra, một số dự án trước đó có quyết định cho làm cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng chống dịch và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đến nay chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại nghiệm thu đủ điểu kiện đưa vào sử dụng để bố trí cho các hộ dân tái định cư theo quy định.
Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, UBND thành phố đã giao Sở Y tế chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao hoàn trả lại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tại các dự án nhà ở tái định cư.
Ngoài ra, còn là do chậm giải phóng mặt bằng. Tiến độ các dự án có giải phóng mặt bằng bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, điều tra, khảo sát, các chủ đầu tư có dự án giải phóng chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn bộ quỹ nhà tại các dự án tái định cư đã được thành phố bố trí tái định cư phục vụ cho các dự án cần giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm.
Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có dự án tái định cư rà soát, đánh giá nhu cầu về nhà ở tham mưu, báo cáo UBND TP.Hà Nội theo quy định pháp luật hiện hành.
Sau khi đã bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn dư thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn.
Theo thống kê mới đây từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã có khoảng 13.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, tới giữa năm 2023, trên địa bàn có khoảng 4.000 căn chung cư bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Còn tại TP.HCM ,hiện có có 8.948 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân. Các căn hộ nằm rải rác ở 85 chung cư/cụm chung cư tại các quận, huyện và TP.Thủ Đức.
VARS cho rằng, tình trạng hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang là một vấn đề cần được quan tâm và giải quyết kịp thời. Việc triển khai các giải pháp phù hợp để “đánh thức" loại hình này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai mà còn góp phần cải thiện nguồn cung, nâng cao chất lượng sống của người dân và phát triển đô thị bền vững.