Ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu trước hạn
Nếu như nhóm bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn với dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng tất toán các trái phiếu đến hạn thì nhóm ngân hàng không chỉ đảm bảo được khả năng thanh toán các trái phiếu đến hạn mà còn tiếp tục mua lại trước hạn thêm nhiều trái phiếu.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã và đang đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn.
Mới đây, VietinBank thông báo hoàn tất mua lại trước hạn 800 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu này có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn là 10 năm, ngày phát hành 13/6/2018 và ngày đáo hạn 13/6/2028. Như vậy, ngân hàng này mua lại trái phiếu trước hạn tới 4 năm.
Agribank cũng công bố sẽ thực hiện mua lại trước hạn 3 tỷ đồng trái phiếu.
Một nhà băng khác trong nhóm "Big 4" là BIDV cũng mới công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn có giá trị 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu được BIDV mua lại có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, ngày phát hành 15/6/2021 và ngày đáo hạn là 15/6/2028.
Không chỉ các ngân hàng có vốn Nhà nước, các nhà băng tư nhân cũng ồ ạt mua lại trước phiếu trước hạn.
HDBank mới mua lại 1.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 11/6/2021 với thời hạn 7 năm, nhằm tăng nguồn vốn cấp 2 dài hạn, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của ngân hàng. HDBank cũng cho biết sẽ mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào ngày 28/7/2023.
Từ đầu tháng 7 đến nay, LPBank có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị mua lại 2.500 tỷ đồng.
ACB mới công bố nghị quyết về việc mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu phát hành riêng lẻ năm 2021 với tổng mệnh giá tối đa 10.000 tỷ đồng.
MSB thông báo đã mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng mã trái phiếu MSBL2124003 được phát hành ngày 7/6/2021 và đáo hạn ngày 7/6/2024.
BVBank cũng mua lại toàn bộ 250 tỷ đồng trái phiếu của 2 mã được phát hành tháng 3/2022 và đáo hạn vào tháng 3/2029.
Techcombank vào tháng 5 vừa qua đã tiến hành mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành ngày 12/5/2022 với thời hạn 3 năm, ngày đáo hạn 12/5/2025.
Tương tự, VPBank đã mua lại trước hạn 400 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào 12/5/2021, có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 12/5/2024.
OCB mới mua lại trước hạn 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào 10/5/2021 và có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào 10/5/2024. Trước đó, vào tháng 5, OCB cũng thực hiện mua lại 2.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành tháng 5/2022 và đáo hạn vào tháng 5/2025.
Các ngân hàng khác như ABBank, TPBank,… cũng chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong vài tháng qua.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 14/7, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 121.790 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 61.767 tỷ đồng).
Ngân hàng đang thừa tiền?
Theo các chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là do đang dư thừa thanh khoản.
Các ngân hàng thương mại đang dư thừa tiền mặt. Biểu hiện rõ nhất cho sự "thừa tiền" của ngân hàng là sự hạ nhiệt nhanh của hàng loạt loại lãi suất. Từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi liên tục được điều chỉnh hạ, với mức giảm khoảng 1,5-2 điểm %. Lãi suất cho vay cũng giảm khá nhanh. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm về vùng đáy lịch sử, giúp các nhà băng có thể huy động vốn với giá rẻ.
Trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, nhu cầu vay vốn thấp, việc giải ngân vốn đầu ra ì ạch. Do đó, việc mua lại trái phiếu đã phần nào làm giảm mức độ thừa vốn, tối ưu hiệu quả sử dụng vốn.
Một lý do nữa là việc mua lại trái phiếu cũng giúp giảm tỷ trọng danh mục trái phiếu so với vốn điều lệ các nhà băng.
Các ngân hàng đã tăng vốn ồ ạt thành công trong thời gian gần đây, cũng như có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ khủng trong năm nay, giúp tăng hệ số an toàn vốn cũng như cải thiện cơ cấu nguồn vốn kinh doanh dài hạn. Do đó, việc này cũng sẽ giúp các tổ chức này giảm bớt mức độ phụ thuộc vốn ở kênh trái phiếu.
Thêm nữa, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao.
Theo quy định, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm thì từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá. Như vậy, việc mua lại trước hạn trái phiếu sẽ giúp các ngân hàng không phải khấu trừ mệnh giá.
Hơn nữa, việc mua lại trái phiếu trước hạn cũng giúp các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Việc này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%.
Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5-10 năm.
Theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng…
Ngoài ra, các ngân hàng ngoài việc mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp mà mình đã tư vấn, bảo lãnh phát hành hay phân phối đến nhà đầu tư còn có thể lựa chọn tự mua lại trái phiếu của chính mình đã phát hành nếu đảm bảo đủ điều kiện và thỏa thuận được với trái chủ hoặc trong quy định phát hành trước đây có kèm điều khoản được mua lại.