Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

CPI năm 2024: Một số nhận xét và xu hướng năm 2025

Năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới với tăng trưởng cao (7,09%), lạm phát thấp (3,63%) và nhiều chỉ tiêu kinh tế cho thấy sự phát triển ổn định, vững chắc của kinh tế Việt Nam. Trong năm 2024 không có những biến động đột xuất về tăng giá cao ở hầu hết các nhóm sản phẩm hàng hóa. Giá sản phẩm xăng dầu, nhiên liệu, năng lượng biến động trong năm không có tác động lớn làm tăng giá nói chung như các năm trước. Tuy nhiên, giá vàng, Đô-la Mỹ (USD) biế...

Năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới với nhiều chỉ tiêu ấn tượng. Kinh tế vĩ mô ổn định; Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức cao: 7,09%; Xuất khẩu hàng hóa tăng 14,3%, xuất siêu hàng hóa: 24,8 tỷ USD; Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng 16% so với năm trước; CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra;…

Với số liệu 05 năm 2020 – 2024 cho thấy: Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế dương và lạm phát tương đối ổn định ở mức không cao, trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều chao đảo, nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng do tác động từ dịch bệnh, chiến tranh thương mại, các xung đột địa chính trị, thiên tai xảy ra và tàn phá với những hậu quả rất nặng nề.

Biểu đồ 1. Tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam 2020 – 2024 (Đơn vị %)

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đặc biệt năm 2024 là một trong 02 năm, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng khá cao (2022: 8,02% và 2024: 7.09% cùng mức lạm phát thấp: 3,15% và 3,63%) và điều đó đã được đánh giá rất cao từ các chuyên gia và các tổ chức quốc tế. Về xu hướng, tăng trưởng kinh tế các quý năm 2024 biến động theo chiều hướng tốt dần lên qua từng quý. Nếu xem xét các quý năm 2023 và 2024 thì thấy tăng trưởng có xu hướng ngày càng có tính bền vững và cao dần, trong khi đó chỉ số lạm phát bình quân các quý lại có xu hướng khá ổn định ở mức thấp.

Biểu đồ 2. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát các quý năm 2023 – 2024 (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về biến động của chỉ tiêu CPI các năm 2022 - 2024 qua từng tháng so với tháng trước cho thấy, năm 2022 và 2024 là khá ổn định, tương đồng và không có nhiều thay đổi. Riêng năm 2023, những tháng trong quý III/2023 là có đột biến tăng cao hơn nhưng sau đó cũng giảm dần và ổn định vào những tháng cuối năm như năm 2022 và năm 2024. Điều đó cho thấy công tác quản lý, điều hành của Chính phủ đối với lĩnh vực giá cả, thị trường là khá tốt và hoàn toàn chủ động nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cho phát triển.

Biều đồ 3. CPI so tháng trước các năm 2022 – 2024 (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Về chỉ số CPI các tháng so với tháng 12 năm trước, năm 2024 có biến động thấp hơn của các năm 2022-2023 và tương đối đồng đều, không có những biểu hiện biến động sốc lớn về giá tại một thời điểm nào đó.

Biểu đồ 4. CPI so tháng 12 năm trước các năm 2022 – 2024 (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Chỉ tiêu CPI bình quân các tháng trong năm cho thấy mức độ giữ ổn định khá tốt về mặt bằng giá cả sản phẩm hàng tiêu dùng trên thị trường Việt Nam trong suốt cả năm 2024.

Biểu đồ 5. CPI bình quân các tháng trong năm 2024 (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Về những nhóm sản phẩm, hàng hóa cụ thể có tác động làm tăng và giảm chỉ số CPI trong năm, số liệu thống kê cho thấy có 05 nhóm sản phẩm hàng hóa có mức tăng giá cao hơn mức tăng giá chung và có 06 nhóm sản phẩm, hàng hóa có mức tăng giá thấp hơn mức tăng CPI cả năm.

Những sản phẩm, hàng hóa có mức tăng giá cao hơn mức tăng giá chung của cả nước bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; Nhà ở và vật liệu xây dựng; Thuốc và dịch vụ y tế; Giáo dục và Hàng hóa và dịch vụ khác. Mức biến động như sau:

Biểu đồ 6. Nhóm sản phẩm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng CPI chung (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Những sản phẩm, hàng hóa có tăng giá thấp hơn mức tăng giá chung là: Đồ uống, thuốc lá; May mặc, dày dép; Thiết bị, đồ dùng gia đình; Bưu chính viễn thông và Văn hóa, giải trí, du lịch. Cụ thể là:

Biểu đồ 7. Nhóm sản phẩm hàng hóa có chỉ số giá tăng thấp hơn CPI chung (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Ngoài những sản phẩm, hàng hóa được đưa vào để tính toán chỉ số giá tiêu dùng hàng năm theo quy định thì biến động của giá vàng (28,6%), giá USD (4,91%) chắc chắn cũng có những tác động không nhỏ tới tăng mặt bằng giá nói chung, song chưa được tính toán và đánh giá.

Biểu đồ 8. Biến động của CPI và chỉ số giá vàng và USD (Đơn vị: %)

Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Một số nhận xét về biến động giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng năm 2024: Mặt bằng giá tương đối ổn định trong các tháng; Biến động tăng giá tương đối thấp hơn các năm trước; Giá xăng dầu, điện, năng lượng được kiểm soát và quản lý tốt hơn các năm trước và không có tác động lớn tới mặt bằng giá chung cả nước; Giá cả những sản phẩm dịch vụ thuộc nhóm: Thuốc và dịch vụ Y tế; Giáo dục và Nhà ở và vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và ngày càng có tác động lớn tới mặt bằng giá nói chung; Biến động của giá vàng và USD trong năm rất lớn, song chưa xác định được mức độ tắc động tới mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng nói chung. Do vậy, có thể trong đời sống thực tế, mức độ tăng giá sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng sẽ là lớn hơn nhiều so với mức công bố (3,63%) của Nhà nước.

Một số nhận định về xu hướng biến động mặt bằng giá năm 2025: Những khó khăn từ xung đột địa chính trị trên thế giới có thể bớt căng thẳng hơn sẽ tạo điều kiện cho kinh tế, thương mại phát triển, biến động giá sẽ ít bị tác động tiêu cực hơn; Cạnh tranh kinh tế và thương mại giữa một số nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục tăng, công cụ thuế quan sẽ được áp dụng ở mức độ cao và quy mô rộng làm cho giá các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường quốc tế tăng và tác động tới mặt bằng giá của Việt Nam;

Kinh tế một số nước phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khó khăn hơn, chi phí sản xuất và kinh doanh sẽ lớn và tác động làm tăng giá; Giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 tăng 3- 4 lần so với trước sẽ tác động làm tăng chi phí và tăng giá; Việc xắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước sẽ làm tăng chi từ NSNN và tác động làm tăng giá tiêu dùng; Nhiều dự án mới về hạ tầng được phê duyệt và khới công với một số tiến vốn đầu tư rất lớn cũng sẽ là nguyên nhân làm tăng giá; Hệ thống giá dịch vụ từng bước được điều chỉnh theo thị trường sẽ tiếp tục là yếu tố dẫn tới tăng giá; Mức biến động tăng giá năm 2025 khoảng 4%.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hỉnh kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 của Chính phủ. Trang Web của Chính phủ

- Tổng cục Thống kê (2024), Tổng quan thị trường, giá cả tháng 12, quý IV và năm 2024

- Số liệu thống kê trên trang https://www.gso.gov.vn/gia/