Theo biểu lãi suất điều chỉnh mới áp dụng từ ngày 8/10, sản phẩm tiền gửi đặc trưng cho khách hàng cá nhân đối với sản phẩm “Tiết kiệm Phát Lộc Tài” của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã tăng khoảng 1% tùy kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại kỳ hạn 36 tháng trả lãi cuối kỳ là 8,85%/năm.
Ngoài ra, trong thời gian 12/10 – 31/10/2022, SCB còn tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy bằng VND theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 06 tháng đến 11 tháng. Đồng thời, ngân hàng còn có chính sách cộng thêm lãi suất 0,02% cho những người trung và cao tuổi (từ 40 tuổi trở lên). Với chính sách này, người gửi tiền tại SCB có thể được hưởng lãi suất cao nhất lên tới 8,92%/năm.
Bên cạnh sản phẩm tiết kiệm thông thường, SCB cũng chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,90%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
ABBank cũng vừa triển khai chương trình "Tiết kiệm thu sang – Gửi tiền phát lộc" với lãi suất cao nhất lên tới 8,6%/năm. Cụ thể, từ ngày 10/10 - 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.
Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ vào các kỳ hạn gửi tiền, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên.
Song song với chính sách ưu đãi tại quầy, khách hàng chọn gửi tiết kiệm trên kênh online thông qua app AB Ditizen của ABBank cũng sẽ hưởng mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn tương đương cho các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng.
ABBank cho biết sẽ dành ra hạn mức 4.500 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi tại quầy và 500 tỷ đồng cho các khoản gửi online.
Kienlongbank cũng vừa tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi khách hàng gửi tiền từ 1 năm trở lên.
Tại SeABank, ngân hàng này đang triển khai chương trình Đầu tư sinh lời hiệu quả với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng từ SeABank. Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi của SeABank theo chương trình này sẽ được nhận lãi suất tới 8,55%/năm, thời gian áp dụng là từ 3/10 – 14/10/2022.
Ngoài những cái tên nói trên, nhiều ngân hàng khác cũng đang huy động tiền gửi với lãi suất cao trên 8%.
Ngày 3/10, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cho biết vừa triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm.
Theo đó, khách hàng chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng là có thể tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với nhiều kỳ hạn linh hoạt và hưởng mức lãi suất cao. Nếu nhận lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất lần lượt từ 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 - 9 - 12 - 15 tháng.
Từ ngày 11/10, NamABank tăng lãi suất huy động cao nhất lên 8,4%/năm, áp dụng cho hình thức gửi tiền online, kỳ hạn từ 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi Bac A Bank cũng đang áp dụng lãi suất 8,4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 1 tỷ trở lên tại kỳ hạn 18 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Ngân hàng số Cake by VPBank đang niêm yết mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng. Tại các kỳ hạn khác, mức lãi suất mà Cake by VPBank áp dụng cũng cao hơn khoảng 0,5% so với các ngân hàng khác.
Bên cạnh ngân hàng số của VPBank, MSB cũng đã đẩy lãi suất huy động lên mức 8%/năm. Cụ thể, lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng đã lên tới 8%/năm dành cho sản phẩm ''Lãi suất cao nhất'' theo hình thức gửi tiền trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng. Các kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng có mức lãi suất cao nhất là 7,7%/năm trong khi kỳ hạn 12 tháng hưởng có thể được hưởng lãi suất 7,5%/năm.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến đầu tháng 10, nhiều ngân hàng cổ phần đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 0,9 – 1,1 điểm %. Tại những ngân hàng vừa và nhỏ, mức tăng lãi suất có thể lên đến 1,50%.
VCBS cho rằng xu hướng tăng của lãi suất được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Nhóm phân tích dự báo, mặt bằng lãi suất có thể tăng 1,5 - 2 điểm % trong cả năm 2022.
Xu hướng tăng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng vẫn chưa dừng lại, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, tính đến 20/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%.
Tín dụng tăng nhanh đã gây áp lực lên thanh khoản của các ngân hàng. Trong báo cáo chiến lược quý IV/2022, Công ty chứng khoán ACBS cho rằng hạn mức tín dụng đã được nới thêm khoảng 2% trong quý III và được kỳ vọng sẽ nới thêm 2% nữa trong quý cuối năm. Đồng thời, việc bán USD của Ngân hàng Nhà nước để cố gắng kiểm soát tỉ giá sẽ làm gia tăng áp lực thanh khoản của đồng VND.
Giải ngân đầu tư công kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm, từ đó số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm xuống…
Những yếu tố trên khiến ACBS cho rằng các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động thêm 0,5 điểm % đến cuối năm 2022 và tăng tổng cộng 1 điểm % trong cả năm nay để tăng cường nguồn vốn huy động.
Hải An