Số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng. Cụ thể, Đà Nẵng đón 78.900 lượt khách quốc tế; Hà Nội ước đón hơn 41.700 lượt (tăng 83,6% so với cùng kỳ); TP. Hồ Chí Minh ước đón 37.600 lượt (tăng 15% so với cùng kỳ); Khánh Hòa ước đón 23.450 lượt (tăng 363,34% so với cùng kỳ);... Trong đó, chủ yếu là khách mang các quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.
Theo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ước tính 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9), tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 640 nghìn lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón 41,7 nghìn lượt, tăng 83,9% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đón 598,3 nghìn lượt, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hải Phòng, trong bốn ngày nghỉ lễ, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ 250.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 8.500 lượt khách, khách nội địa là 241.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến Hải Phòng tập trung cao ở hai trọng điểm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà và nội thành (Food tour). Công suất phòng tại hai trọng điểm du lịch này đạt 85-90%. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là khách du lịch nội địa
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, trong bốn ngày nghỉ lễ, tỉnh này đón 382.000 lượt du khách. Khách quốc tế đạt khoảng 24.500 lượt, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách lưu trú đạt khoảng 151.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu du lịch đạt khoảng 788 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, từ ngày 1 đến 4/9, toàn tỉnh đón 222.705 lượt khách, tăng 47,5% so với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022. Trong đó, có 19.646 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 128% so với năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 203.059 lượt khách, tăng 42,6% so với năm 2022. Doanh thu đạt trên 230 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2022. Với sự tăng trưởng vượt trội trên, doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt trên 230 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2022.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong dịp Lễ Quốc khánh (từ 1/9 - 4/9), tổng số du khách đến địa phương ước đạt 90.000 lượt (tăng 40,6% so với cùng kỳ), doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 78 tỷ đồng (tăng 44,4% so với cùng kỳ).
Khách lưu trú ước đạt 36.570 lượt, trong đó có 10.690 lượt khách quốc tế (tăng 226,7%); công suất bình quân phòng các khách sạn đạt khoảng 55% (các ngày 1/9, 2/9 và 3/9 công suất phòng của các khách sạn trên 70%, riêng trong ngày 2/9 hầu hết các khách sạn nội đô, khách sạn nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn thành phố, huyện Phú Lộc và huyện A lưới đạt 100%). Trong ngày 2/9 có trên 51.000 lượt khách vào tham quan các điểm di tích thuộc khu di sản Huế.
Tại Đà Nẵng, theo Sở Du lịch Thành phố, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 2/9 đạt khoảng 254.000 lượt, tăng 6,3% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt gần 78.900 lượt và khách nội địa đạt hơn 175.100 lượt. Đa số là khách đi lẻ, chiếm khoảng 85%. Tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng. Lượng khách lưu trú đạt khoảng 75.500 lượt, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Công suất phòng bình quân đạt 50-55%, trong đó khách lưu trú tập trung đông nhất vào các ngày 1/9 và 2/9.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu ước đón và phục vụ 502.865 lượt khách (tăng 28,26% so với cùng kỳ năm 2022). Công suất trung bình của CSLTDL đạt 80-85%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 275,722 tỷ đồng. Bình Thuận ước đón và phục vụ 116.000 lượt khách (tăng 26% so với cùng kỳ 2022), công suất trung bình của CSLTDL đạt từ 70-90%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 290 tỷ đồng.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, kết quả hoạt động du lịch dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 đã cho thấy du lịch nội địa đã phục hồi, là đòn bẩy cho du lịch quốc tế. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch lễ hội cuối năm và mùa đón khách của thị trường Việt Nam.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho biết, một số địa phương trọng điểm du lịch dịp lễ năm nay không thu hút được lượng khách như kỳ vọng, dẫn tới lượng tổng lượng khách giảm so với cùng kỳ. Đó là do một bộ phận khách chỉ chọn đi gần và đi tự túc gần nhà, ngay tại nơi sinh sống. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ sát với lễ Vu lan, cận ngày tựu trường, đồng thời khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn về quê và sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.
Tổng thu du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu) trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng trong những ngày cao điểm. Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trước lễ đã có thông tin cảnh báo mưa lớn, ảnh hưởng của bão số 3 (Saola) tại khu vực miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến tàu tới nhiều khu, điểm du lịch đảo phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, khách hủy tour, thay đổi lịch trình sang điểm đến khác. Tuy đã chủ động xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch nhưng việc tổ chức các loại hình du lịch một số nơi chưa phong phú, các điểm vui chơi giải trí còn thiếu là lý do khiến khách du lịch ở nhiều nơi không được như mong muốn.