BIDV điều chỉnh lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng giảm 0,3% xuống còn 3-3,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng điều chỉnh mạnh từ 6,3% xuống còn 5,8% (giảm 0,5%).
VietinBank cũng áp dụng mức điều chỉnh giống BIDV đưa lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhà băng này chỉ còn 5,8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Vietcombank, lãi suất huy động cũng giảm 0,3-0,5% ở hàng loạt kỳ hạn. Theo đó, biểu lãi suất tại quầy của ngân hàng khá tương đương với BIDV, đều niêm yết kỳ hạn 1 tháng - 3 tháng - 6 tháng lần lượt là 3% - 3,8% - 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm 0,5%, xuống 5,8%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất huy động trực tuyến của Vietcombank điều chỉnh mạnh 0,5-0,6%. Nếu như trước đây lãi suất tiền gửi trực tuyến Vietcombank luôn cao hơn tại quầy khoảng 0,2-0,3% thì hiện nay 2 biểu lãi suất đã ngang bằng nhau.
Tại Agribank, lãi suất huy động giảm sâu hơn 3 ngân hàng trên. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng giống với BIDV, VietinBank, Vietcombank đều là 5,8%/năm. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 13 tháng trở đi chỉ còn 5,5%/năm, giảm 0,5% so với trước.
Như vậy, sau đợt điều chỉnh này, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng tại các ngân hàng quốc doanh đang thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được cho phép là 4.75%/năm.
Trước đó, nhóm các ngân hàng tư nhân liên tục điều chỉnh, thậm chí có ngân hàng còn thấp hơn cả nhóm ngân hàng quốc doanh như ACB (6,1%/năm kỳ hạn 12 tháng; Eximbank 6%/năm kỳ hạn 12 tháng).
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn ít ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động cao từ 7-7,3% tại một vài kỳ hạn gồm: ABBank, PVCombank (kỳ hạn 6 tháng); PVCombank, NCB, CBBank, BaoVietBank (kỳ hạn 9 - 18 tháng); VietA Bank, HDBank (12 - 18 tháng); NamA Bank (12 tháng); và KienLong Bank, LPBank, OceanBank (18 tháng).
Lãi suất huy động phổ biến hiện nay được hầu hết các ngân hàng niêm yết từ 6-6,9%/năm.
Từ đầu năm đến nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN các tổ chức tín dụng đã nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khá nhanh và hiện vẫn đang tiếp tục giảm sâu thêm. Từ đó, lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng thương mại giảm từ 0,7 - 0,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1 - 1,2%/năm.
Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước đã chủ động có các gói giảm lãi suất sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực được ưu đãi theo chính sách của Nhà nước.