Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

"Báu vật sống" gìn giữ văn hóa người Dao Sừng trên đỉnh Sì Lở Lầu

75 mùa rẫy đi qua trên mảnh đất biên cương heo hút gió, bà Lý U Mẩy cũng đã gắn trọn cuộc đời mình ở xứ “12 tầng núi” tràn ngập sắc đỏ rực rỡ, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc còn sót lại của dân tộc Dao Sừng giữa núi rừng Tây Bắc.

Nằm trên đỉnh núi cao 1900m, phải vượt qua 12 con dốc tương đương với 12 tầng núi mới đến được Sì Lở Lầu. Vì vậy, U Mẩy chẳng bao giờ bước chân ra khỏi 12 tầng núi dựng đứng, quanh co. Cuộc sống của U Mẩy đã trọn nghĩa, nặng tình với nơi đây cho đến khi nhắm mắt và được mọi người ví như người “nghệ nhân” già. 

Đến Sì Lở Lầu, nếu không gặp được người giống như U Mẩy thì hiếm ai có thể biết đến tiêu chuẩn sắc đẹp của người Dao Sừng nơi đây. Đó là những người phụ nữ với mái tóc và lông mày nhẵn trụi, cắm “cờ” đỏ trên đỉnh đầu.

Ấn tượng của chúng tôi về U Mẩy là hình ảnh cái đầu đã cạo trọc và đội khăn đỏ, "cắm cờ".

U Mẩy tâm sự: “Phong tục này đã có từ lâu đến nỗi chẳng ai còn nhớ chúng được xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết được truyền từ đời này, qua đời khác. Theo quan niệm xưa, phụ nữ Dao Sừng  tuổi trưởng thành sẽ nhổ trục tóc cho nhau”.

Đáng nói, dụng cụ nhổ tóc của người Dao Sừng chỉ đơn giản là sợi chỉ, chứ hoàn toàn không được cạo. Khi cạo tóc sẽ để lại chân, điều này kém thẩm mỹ và không đúng với nét văn hoá dân tộc Dao Sừng. 

Theo U Mẩy, sợi chỉ được xoắn đi, xoắn lại vào sợi tóc. Công đoạn tiếp theo đòi hỏi người nhổ phải thao tác thật nhanh, giật thật mạnh đến khi sợi tóc đứt, nhưng vẫn phải để lại chỏm tóc trên đỉnh đầu. Có thể thấy, đây là một quá trình kiên trì và sức chịu đựng để đạt được kết quả như vậy.

“Sì Lở Lầu là vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước. Vì vậy, phụ nữ để tóc dài rất khó chịu và xuất hiện rận, chấy. Không những vậy, người Dao Sừng xưa đều cho rằng tóc là nơi trú ngụ của các hồn vía con người. Nhổ tóc sẽ bỏ đi được bệnh tật. ”, U Mẩy không ngần ngại chia sẻ cho chúng tôi về lý do phụ nữ Dao Sừng xưa lại nhổ tóc. 

U Mẩy cho biết thêm, việc cạo lông mày và nhổ tóc, cắm “cờ” đỏ trên đầu sẽ làm hài hoa trang phục của người Dao Sừng. Điều này khiến họ trở nên cuốn hút hơn trong mắt nam giới. Và việc nhổ tóc chính là dấu hiệu nhận biết người phụ nữ đã “yên bề gia thất”.

Những nét văn hoá cổ này hiện nay chỉ còn được lưu giữ bởi những bậc cao niên của Sì Lở Lầu. “Nhổ tóc xong cũng phải đau đầu từ 2-3 ngày”, U Mẩy mắt đỏ hoe nói. Đó cũng chính là lý do người trẻ dần bỏ tục nhổ tóc, cạo lông mày và cắm “cờ” đỏ. 

Ngoài tục nhổ tóc, cạo trọc đầu thì người phụ nữ như U Mẩy ở Sì Lở Lầu còn có tục cạo chân mày.
U Mẩy cho biết, tục lệ nhổ tóc ở đây đã có từ nhiều đời trước, thế hệ của U Mẩy sinh ra đã được mẹ căn dặn khi trưởng thành, lấy chồng thì phải nhổ tóc.

Tuy nhiên, lý do bao quát hơn cả chính là sự tác động, phát triển chung của xã hội. Lớp trẻ Dao Sừng đã được tiếp xúc với những nét văn hóa hiện đại từ Internet qua 12 tầng núi. Những tiêu chuẩn về cái đẹp cũng dần được thay đổi và có cái nhìn khách quan, gìn giữ và phát huy phong tục tập quán phù hợp. 

Bằng chính “báu vật sống” như U Mẩy đã cho thế hệ sau biết được văn hoá lâu đời của dân tộc Dao Sừng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng người Dao Sừng nói riêng và người Dao nói chung.

Có thể thấy, mỗi thế hệ, mỗi thời điểm đều có một quan niệm khác nhau về cái đẹp. Người miền xuôi từng nghĩ lông mày lá liễu, môi mỏng là đẹp nhưng bây giờ có thể bị thay đổi hoàn toàn. Cái đẹp được thay đổi theo thời gian, nhưng dấu ấn về vẻ đẹp của U Mẩy nơi non cao heo hút “12 tầng núi” chắc chắn sẽ còn được lưu mãi. 

Xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (tức 12 con dốc), đây là nơi cư trú của hơn 4.000 đồng bào dân tộc Dao Đỏ (nhánh Dao Sừng). Đến năm 2010, xã My Ly Chải của hơn 2.000 người Hà Nhì được sắp xếp, sáp nhập với xã Sì Lở Lầu, gọi chung là xã Sì Lở Lầu.