Hà Giang - Mỗi phiến đá một giá trị văn hóa

Đặt chân đến nơi địa đầu của Tổ quốc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy Hà Giang vẫn giữ nguyên cho mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của cao nguyên đá, mỗi phiến đá lại mang một nét văn hóa đặc sắc rất riêng.

Nhắc đến Hà Giang, mỗi người dân đất Việt không khỏi bồi hồi và xao xuyến trước công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn bạt ngàn đá núi, bạt ngàn mây. Nơi có khí hậu khắc nghiệt nhưng cũng hiền hòa và dịu êm, khi chính nó đã tạc lên một bức tranh với cảnh quan kỳ vĩ của núi đôi Quản Bạ nên thơ, của kỳ quan Mã Pí Lèng và hẻm Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á.

Có địa hình 80% là đá, những dãy núi cao hàng trăm mét cao chót vót chỉ  đá chồng đá được dựng đứng chỉ một màu xám ngắt, nối tiếp nhau trải dài vô tận. Cũng vì lẽ đó mà đá trở thành một phần của cuộc sống, của linh hồn người dân Hà Giang. Đá trong lòng đất, đá chạm bước chân, đá sừng sững, đá cao tới trời. Đúng như câu hát: “Sống trên đá, chết nằm trong đá”, bởi trẻ con lớn lên cùng với đá, người già chết đi nằm trong đá.

Đông kéo về với hoa cải nở vàng như nắng rót mật ong rừng.
Du Già (huyện Yên Minh) được ví như bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng giữa núi rừng Đông Bắc.

Điểm lên bức tranh đá xám khô cằn, khắc nghiệt mênh mông trên đỉnh trời ấy, là sắc hoa của bốn mùa bung nở tựa như những khúc hòa ca ngân nga. Mùa xuân sắc đào nhuộm thắm núi đồi và bản làng. Hạ tới khi cành hoa mận trắng tinh khôi đầy ý thơ. Thu sang hoa gạo thắp lửa dọc khắp con đường vùng cao. Đông kéo về với hoa cải nở vàng như nắng rót mật ong rừng, hoa bạc hà lặng lẽ tỏa hương trên khắp các triền núi; hoa tam giác mạch mong manh, hoang dại làm say bao ánh mắt.

Trải qua những thăng trầm và biến cố của lịch sử, 19 đồng bào dân tộc của Hà Giang vẫn gìn giữ được giá trị bản sắc riêng. Một miền văn hóa di sản được bồi đắp qua nhiều tầng lớp văn hóa dân tộc đặc trưng hay cả huyền tính, dấu tích còn sót lại bằng hệ thống các lễ hội như: lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Bàn Vương của người Dao hay lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn…Cùng với đó là phục trang, phục sức và các làn điệu dân ca, dân vũ dân gian.

Chính sự sáng tạo trong truyền thống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cũng góp phần tạo nên những công trình kiến trúc điểm nhấn và đặc trưng khi nhắc đến Hà Giang như: cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, khu phố cổ Đồng Văn - trái tim của vùng cao nguyên đá hay dinh thự họ Vương nơi nuôi dưỡng những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Trong số 19 dân tộc ở Hà Giang, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi chính là người Mông, nếu như loài cá sống ở nước, loài chim bay trên trời thì người Mông sống ở núi. Họ luôn thích nghi với hoàn cảnh sống, cần cù sáng tạo ra những hình thức canh tác mới để sinh tồn trên những đỉnh núi đá cao sừng sững. 

Giữa bốn bề chỉ toàn đá tai mèo sắc nhọn, người Mông đã sáng tạo ra “Tri thức canh tác hốc đá” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người Mông giờ đây họ vươn lên làm chủ cuộc sống bằng bàn tay lao động cần mẫn, những nương ngô, nương cải rạo rực sức sống nơi đất trời cao nguyên. Nhìn từ xa, những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ở phía Tây trải dài vô tận như cung đàn ngân giữa đất trời là thành quả lao động của người Mông. 

Sắc đỏ hoa đào ngập trời tại Hà Giang mỗi khi mùa Xuân tới, điểm lên bức tranh tuyệt sắc của cao nguyên đá Hà Giang. 

Những ngọn núi đá tai mèo, những cung đường uốn lượn tựa như dải lụa băng qua nương ngô, nương lúa, bản làng… để lại trong tiềm thức mỗi người về cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây.

Văn hoá Hà Giang còn có một nền ẩm thực đa dạng, không cầu kỳ trong chế biến, nó mộc mạc độc đáo như chính cuộc sống và truyền thống văn hóa của con người nơi đây. Xôi ngũ sắc, bánh tam giác mạch, rêu đá… tất cả đều qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ chế biến thành những món ăn đặc sắc. 

Hà Giang còn khắc ghi cho lớp lớp thế hệ sau nhớ đến đài hương tưởng niệm 468 – tượng đài bất tử của miền “Đá nở hoa”. Đó chính là lịch sử bi tráng và khúc ca hào hùng của cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Kết thúc hành trình, chúng tôi tạm biệt cao nguyên đá Hà Giang vào ngày hạ để trở về với Thủ đô, để rồi trên cả hành trình ấy, lòng chúng tôi lại bồi hồi trước cảnh vật, con người, văn hoá của vùng đất “cỏ chen đá, đá chen hoa” này. Quả thật, đất nước mình còn rất xinh đẹp, xin mượn lời của nhạc sĩ Quách Beem thay cho lời kết, cũng là tiếng lòng của chúng tôi: 

  “Đây Hà Giang nắng hồng gọi mây

Bức tranh đẹp ngỡ là tiên cảnh

Núi nghiêng mình yêu thương

Cao nguyên đá sáng bừng kỳ vĩ”.

(Hà Giang ơi, Quách Beem)