Xuất khẩu dệt may dự kiến tăng tới 10% trong năm 2024

Dựa trên những tín hiệu đã có, đặc biệt là tình hình hình đơn hàng về nhiều vào quý 3 và quý 4, kết hợp cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023.

Đó là nhận định của ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra chiều ngày 20/6.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Ông Cao Hữu Hiếu cho hay, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, các doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn đã có nhiều cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

Ngay trong tháng 7/2024, những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia với 5 nghìn mét vải sẽ được xuất khẩu, tiếp nối là đơn hàng 50 nghìn mét vải cho thị trường Trung Đông và tiếp tục được chào hàng cho những thị trường khác. “Có thể nói, đây là cơ hội mới cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định”, ông Hiếu cho biết.

Xuất khẩu dệt may dự kiến tăng tới 10% trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến ngành dệt may, trước đó ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, doanh nghiệp ngành dệt may đang dần phục hồi do đã có đơn hàng trở lại. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động các giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.

Theo Chủ tịch VITAS, thị trường đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như: Canada, Australia, châu Âu… đã tìm đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh.

“Những tín hiệu này cho thấy một xu thế là hiệu ứng thị trường dệt may toàn cầu đã khởi sắc và ấm lên. Trong đó, ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trên thế giới, bởi chúng ta là một nước mở cửa toàn diện", ông Vũ Đức Giang nói.

Về phía các doanh nghiệp, hiện các đơn hàng đã trở lại, thậm chí có doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm, nhiều doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu lợi nhuận khả quan trong năm 2024. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, nhiều doanh nghiệp thành viên Vinatex đã nhận đơn hàng đến tháng 6. Bên cạnh đó, ngành sợi đón nhận nhiều thông tin tích cực khi có nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.

Đại diện của Tổng Công ty May 10 cũng cho biết, đơn vị này vẫn quyết tâm đạt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng vượt 6,6% so với năm 2023. Lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, vượt  5,7 % so với năm 2023. Tương tự, Tổng ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 7.500 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 311 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 42% so với năm 2023.

Thanh Mai (t/h)