Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 8, cả nước xuất khẩu 37,4 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch 110,8 triệu USD; giảm 23,3% về lượng và nhưng chỉ giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 1,54 triệu tấn cà phê, tương đương kim ngạch 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao.
Thời gian qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Italia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Algieria, Hà Lan, Mexico đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7 cũng là tháng ghi nhận giá cà phê Việt Nam lên cao kỷ lục, với 2.828 USD/tấn.
Với kết quả trên, một số chuyên gia trong ngành dự báo, nếu lượng xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt 4,2 tỷ USD và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Đến nay, mặt hàng cà phê Việt Nam đã có mặt ở 37 thị trường chủ yếu, trong đó có 25 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 7 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Đức, tiếp đến là Italia, Mỹ, Nhật Bản…). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với ngành cà phê là cần chuyển tiếp tục dịch chuyển cơ cấu, nâng chất lượng cà phê, tăng chế biến để nâng cao chất lượng.
Trước đó, khi nhận định về thị trường xuất khẩu cà phê, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê robusta.
Tại báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo chỉ tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, trong niên vụ 2023/2024, diện tích sản xuất cà phê của Việt Nam sẽ không thay đổi so với niên vụ trước nhưng sản lượng sẽ tăng 5% (tương ứng 1,6 triệu bao), lên mức 31,3 triệu bao (1 bao = 60 kg) nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Trong đó, cà phê Robusta chiếm 95% tổng sản lượng.
USDA dự báo, tồn kho cuối vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ tăng 1 triệu bao so với niên vụ trước lên mức 2,7 triệu bao. Về lâu dài, để Việt Nam vẫn giữ vị thế là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới thì sản lượng cần duy trì ở mức 1,8 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, diện tích canh tác cà phê tại Việt Nam trong 3 năm gần đây liên tục bị thu hẹp do các hộ nông dân chuyển sang canh tác các loại cây ăn trái khác có mức lợi nhuận cao hơn.
Liên quan đến ngành cà phê, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, cần phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước.
Và mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.
Năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, với lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn và kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, với kết quả 8 tháng đầu năm 2023, có thể tự tin rằng kim ngạch cà phê năm 2023 sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới.