Xử phạt Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát do vi phạm trong lĩnh vực môi trường

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng đối với Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát vì không có giấy phép môi trường tại một dự án khu dân cư.

Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát bị xử phạt 300 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Ảnh internet

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát địa chỉ tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa do ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc là người đại diện theo pháp luật đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có giấy phép môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai đối với Dự án Xây dựng Khu dân cư khu phố Bình Dương tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa.

Với hành vi trên, Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 300 triệu đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Con Cò Vàng địa chỉ trụ sở tại Lô 5, đường số 1, Khu công nghiệp Gò Dầu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai với số tiền 320 triệu đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Con Cò Vàng đã đưa dự án Nhà máy sản xuất phân bón NPK, công suất 9.000 tấn sản phẩm/năm vào vận hành từ năm 2017 đến nay khi chưa thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Nội dung giấy phép môi trường gồm thông tin chung về dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; nội dung cấp phép môi trường; yêu cầu về bảo vệ môi trường; thời hạn của giấy phép môi trường; nội dung khác (nếu có).

Giấy phép môi trường không chỉ là cơ sở pháp lý để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh được thực hiện đúng quy định, mà còn là công cụ để kiểm soát, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của chất thải đối với môi trường. Ngoài ra, giấy phép này còn tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường.

Doanh nghiệp không có giấy phép môi trường hoặc không tuân thủ các điều kiện của giấy phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, và có thể phải chịu những hậu quả pháp lý nghiêm trọng hơn nếu tiếp tục vi phạm.