Vốn ngoại rót vào bất động sản 9 tháng gấp 1,8 lần cùng kỳ

Vốn ngoại giải ngân vào hoạt động kinh doanh bất động sản Việt Nam trong 9 tháng qua đạt 1,43 tỷ USD, gấp 1,8 lần cùng kỳ năm ngoái.
von-ngoai-fdi-1728225414.jpeg(Ảnh minh họa)
 

Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 30/9/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 24,78 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 2.492 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 13,55 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng hơn 11% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, gấp 4 lần cùng kỳ và chiếm gần 18% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,56 tỷ USD, gấp 4,1 lần cùng kỳ và chiếm gần 17% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 815,7 triệu USD, chiếm gần 23% giá trị góp vốn. 

Như vậy, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đạt gần 4,4 tỷ USD, gấp hơn 2,2 lần cùng kỳ.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 8 tháng trong vòng 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,43 tỷ USD, gấp 1,8 lần cùng kỳ và chiếm 8,3% tổng vốn FDI thực hiện.

von-ngoai-fdi-1-1728225414.png(Nguồn: Tổng cục thống kê)
 

Theo ông Jack Nguyễn, Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam, dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hong Kong vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất.

“Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển. Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại thị trường khu vực phía Bắc. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới”, ông Jack nói.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết: “Chúng tôi ghi nhận một số dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất. Có thể nói, FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp”.