Ông Lê Hồng Minh, nhà sáng lập kiêm CEO của VNG Corporation, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam, cho biết tại cuộc họp cổ đông thường niên của công ty vào cuối tuần trước rằng công ty đang nỗ lực hòa vốn trong thời gian sớm nhất sau nhiều năm thua lỗ, theo DealStreetAsia. Theo báo cáo, khoản lỗ sau điều chỉnh của VNG vào năm ngoái là 657 tỷ đồng (25,8 triệu USD), giảm 30% so với năm trước.
Ông Minh tiết lộ do ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, VNG đã tạm dừng đầu tư vào các startup. Trước đó, VNG từng đầu tư vào các startup trong nước như Got It (cung cấp giải pháp quà tặng trực tuyến), Telio (công ty thương mại điện tử B2B), Ecotruck (nền tảng vận tải) và Funding Societies (công ty fintech có trụ sở tại Singapore).
Zalo, nền tảng nhắn tin là một trong những trụ cột kinh doanh chính của VNG, đã đạt được 75,8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến cuối năm ngoái. Doanh thu từ mảng dịch vụ B2B của Zalo tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong lĩnh vực thanh toán, ví điện tử ZaloPay đạt mức tăng trưởng 27% về tổng khối lượng thanh toán trong năm. Giải pháp mã QR của ZaloPay hiện được chấp nhận tại hơn 36.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước.
Trong khi đó, VNG Digital Business đang tập trung vào ba lĩnh vực chính: an ninh mạng, AI và các sản phẩm nền tảng Cloud và SaaS. Công ty 20 năm tuổi này cho biết AI sẽ là động lực tăng trưởng mới của họ trong những năm tới.
VNG cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện toàn cầu, hy vọng doanh thu từ game quốc tế sẽ vượt qua thị trường nội địa trong ba năm tới. Doanh thu quốc tế của VNG đạt 1.744 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 35% so với năm trước.
"Công ty có kế hoạch cung cấp tất cả các công nghệ và sản phẩm của mình trên toàn cầu, với các phân khúc kinh doanh khác nhau, đặc biệt nhấn mạnh đến các dịch vụ AI", phía VNG cho hay.
Cũng tại cuộc họp thường niên, ông Minh cho biết có thể VNG sẽ xem xét niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) trong tương lai gần. Ông Minh không tiết lộ thêm thông tin chi tiết về kế hoạch niêm yết trong nước cũng như việc VNG có tiếp tục theo đuổi kế hoạch IPO ở nước ngoài hay không.
Ông Minh nói: "Việc giao dịch trên UPCoM hiện đang phù hợp với hoạt động của chúng tôi cũng như các quy định của Việt Nam”. HOSE là nơi tập trung khoảng 400 cổ phiếu, bao gồm các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam như Vingroup, Masan Group, Vietcombank và FPT - một trong số ít các công ty công nghệ được niêm yết trên sàn.
Đầu năm nay, VNG đã rút lại kế hoạch IPO trên sàn Nasdaq. Trước đó, công ty đã nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vào tháng 8 năm ngoái. Tập đoàn công nghệ này dự kiến niêm yết khoảng 21,7 triệu cổ phiếu phổ thông loại A, chiếm 15,8% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty. Năm 2017, VNG và Nasdaq đã đạt được biên bản ghi nhớ về việc niêm yết.
Cổ phiếu của VNG, bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào tháng 1 năm nay, đóng cửa cuối tuần trước ở mức 600.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2,5 lần so với giá chào bán ban đầu trên UPCoM. Các nhà đầu tư nước ngoài của VNG bao gồm các ông lớn công nghệ Trung Quốc là Tencent và Ant Group, cũng như GIC và Temasek của Singapore.