Mới đây, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) tổ chức Tọa đàm “Xu hướng đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số cho ngành truyền thông quảng cáo Việt Nam”.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch VAA cho biết sau đại dịch COVID-19, ngành quảng cáo Việt Nam đã có sự phục hồi trở lại. Số liệu của Statista cho thấy, doanh thu quảng cáo năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam lại xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng12,7%), chỉ sau Malaysia (18,9%) và hơn Indonesia (8,1%), Thái Lan (3,9%) và Singapore (8,4%).
Đáng chú ý, theo ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2022 (số liệu từ tháng 3/2022) là khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình. Năm 2023, dự kiến con số này là 3,4 tỷ USD, tương đương 80 nghìn tỷ đồng.
“Những con số này cho thấy xu hướng tất yếu là doanh nghiệp ngành quảng cáo phải chuyển đổi số”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến chuyển đổi số là quá trình tất yếu đối với doanh nghiệp ngành quảng cáo song bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số và Marketing của Goldsun Media Group cho rằng các doanh nghiệp phải tìm điểm khác biệt để thực hiện chuyển đổi số, tránh ồ ạt chuyển đổi số mà không có mục tiêu và hướng đi rõ ràng.
“Như tại Goldsun, chúng tôi xác định quảng cáo ngoài trời vẫn là kênh truyền thông định vị thương hiệu hàng đầu và có chỗ đứng riêng. Vì vậy, chúng tôi chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để biến quảng cáo tĩnh trước kia thành quảng cáo động với màn hình led, công nghệ 3D và tích hợp quảng cáo liên kênh tiến tới chiến lược omni-channel”, bà Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Lan Phương, Giám đốc Dự án Công ty Công nghệ I&E Việt Nam lại lưu ý các doanh nghiệp cần nghĩ xa hơn trong việc làm chủ công nghệ để tránh rủi ro do lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới.
“Làm chủ công nghệ để dữ liệu người dùng không bị doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát và tránh rủi ro do họ thay đổi tùy biến, từ đó doanh nghiệp có thể chủ động điều tiết nguồn lực quảng cáo”, bà Phương nêu quan điểm.
Thương hiệu Pháp luật