Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 11/2024 Việt Nam xuất khẩu được 10.754 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28,8 triệu USD, so với tháng 10 lượng xuất khẩu tăng 5,8%. Trong đó, Ấn Độ và Hoa Kỳ là 2 thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam, đạt 4.429 tấn và 1.253 tấn, chiếm tỷ trọng lần lượt là 41,2% và 11,7%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 90.270 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 249,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 10,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 13.213 tấn, chiếm 14,6%; gia vị Sơn Hà đạt 5.649 tấn, chiếm 6,3%; Tuấn Minh đạt 4.372 tấn, chiếm 4,8%; Senspice Việt Nam đạt 3.974 tấn, chiếm 4,4% và Olam Việt Nam đạt 3.677 tấn, chiếm 4,1%.
Các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 31.829 tấn, chiếm 35,3%; Hoa Kỳ đạt 9.867 tấn, chiếm 10,9% và Bangladesh đạt 7.536 tấn, chiếm 8,3% thị phần.
Hiện, cả nước có khoảng 180.000ha diện tích trồng quế. Trong đó, Yên Bái chiếm trên 80.000ha, tập trung chủ yếu tại 3 huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn; diện tích quế trồng tập trung trên 30.000ha, trong đó có trên 7.000ha đạt chứng nhận quế hữu cơ.
Cây quế đã tạo sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn hộ nông dân cả nước, gia tăng thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo. Quế xuất khẩu của Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, theo các chuyên gia, giá trị xuất khẩu quế còn rất thấp so với tiềm năng, thế mạnh. Các sản phẩm quế xuất khẩu chủ yếu thông qua trung gian nên giá cả và thị trường không ổn định, giá trị chưa cao. Mặt khác, nước ta cũng chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia cho ngành quế; tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong vỏ cây quế vẫn còn xảy ra…
Liên quan đến ngành quế, theo Bộ Công Thương, thị trường đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm quế về các yêu cầu cơ bản như tiêu dùng xanh, giảm khí phát thải carbon; sản phẩm bảo đảm truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững, kể cả các yếu tố môi trường, xã hội; bảo đảm chất lượng, kể cả việc kiểm soát và đáp ứng yêu cầu MRL (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm) theo quy định thị trường. Nhu cầu phân khúc hàng hữu cơ, sản phẩm giá trị gia tăng, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ sức khoẻ… ngày càng lớn.
Nhằm gia tăng giá trị cho cây quế, thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao chất lượng cây giống, chú trọng khâu trồng và chăm sóc, có sự kết hợp của chuỗi cung ứng và tiêu thụ trên toàn quốc… Trong đó, về khâu trồng và chăm sóc, một trong những hướng đi cần thiết cho cây quế là cần tăng diện tích canh tác hữu cơ nhằm đáp ứng xu thế, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác các thị trường mới tiềm năng, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Riêng tại Yên Bái, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 20.000ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ.
Theo các chuyên gia, ngành quế cũng cần có sự thay đổi mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu của thị trường xuất khẩu trong giai đoạn tới; có thêm các nghiên cứu khoa học để kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định mức dư lượng tối đa, tìm kiếm các giải pháp xử lý sâu bệnh phù hợp. Cùng với đó, cần khuyến khích nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế; có chế tài kiểm soát hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật không hợp pháp, không có trong danh mục quản lý. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ở quy mô quốc gia.
Đặc biệt, việc tận dụng các FTA được xác định là giải pháp quan trọng để gia tăng xuất khẩu quế. Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế. Theo dự thảo đề án, mục tiêu chính là giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích của FTA; xây dựng văn hóa kết nối, hợp tác; thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy cho ngành quế phát triển.