Vì sao sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại?

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp quý IV tăng chậm lại là do tình hình thế giới biến động khó lường đã ảnh hưởng đến trong nước, chi phí đầu vào đang tạo sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2022. Theo đó, sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,69% so với năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 11,06%; quý IV tăng 3,6%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Vì sao sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại? - Ảnh 1 Sản xuất công nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng chậm lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê nhận định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý IV/2022 tăng 3%, là mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022 (chỉ số IIP quý 1/2022 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; quý 2/2022 tăng 9,8%; quý 3/2022 tăng 10,9%), trong đó tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý 4/2022 tăng 3%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm trước; tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Hà Tĩnh giảm 16,5%; Trà Vinh giảm 24,1%).

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,1% so với năm 2021 (năm trước tăng 4,8%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2022 tăng 10,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 21,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%).

Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 0,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp quý IV tăng chậm lại là do tình hình thế giới biến động khó lường đã ảnh hưởng đến trong nước, chi phí đầu vào đang tạo sức ép lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Nguyên nhân của vấn đề này đến từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, chi phí đầu vào gia tăng, đồng USD tăng mạnh, lạm phát tăng cao, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc vẫn còn hiện hữu.

Thực tế cho thấy, dấu hiệu suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Các yếu tố này làm cho cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất tăng, doanh thu giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm: xuất khẩu suy giảm, nhu cầu suy giảm, đầu tư tư nhân suy giảm, giải ngân đầu tư công chậm... Chính phủ ưu tiên chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng cao. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí sản xuất tăng cao phải thu hẹp quy mô, cắt giảm hàng loạt lao động.

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển công nghiệp ở Việt Nam,TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Chúng ta đang chứng kiến những điểm sáng trong việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế thông qua việc đề ra nhiều giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế; phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ cải cách, chúng ta cũng phải đối mặt với rủi ro về nhiều cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.

Trong bối cảnh ấy, tư duy phát triển theo hướng trọng tâm hơn lại càng cần thiết. Một trọng tâm quan trọng là làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của đất nước.

Kinh tế Môi trường