Không chỉ có vàng mới lấp lánh, bạc cũng đang tận hưởng một chu kỳ thăng hoa tương tự khi căng thẳng địa chính trị và chiến tranh khiến nhà đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. Kể từ đầu năm đến nay, giá cả hai kim loại quý này đều tăng khoảng 20%.
Cùng là kim loại quý, cả vàng và bạc đều được sử dụng làm tiền xu và đồ trang sức từ thời cổ đại, nhưng bạc phổ biến hơn với trữ lượng lớn hơn vàng gần 20 lần, đồng thời đóng vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, từ điện tử đến tấm pin mặt trời.

Điều này khiến bạc có mối liên hệ ngày càng chặt chẽ hơn với tăng trưởng kinh tế, khi kim loại sáng bóng này ngày càng hiện diện nhiều hơn trong các thiết bị điện tử, hàng không vũ trụ và các sản phẩm công nghệ cao khác. Hiện ngành công nghiệp tiêu thụ khoảng 60% sản lượng bạc toàn cầu, tăng 10 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước.
Với nhiều nhà đầu tư, mức độ biến động lớn hơn và thanh khoản thấp hơn khiến bạc, hay còn gọi là “vàng của người nghèo”, trở thành một khoản đầu tư mang tính đòn bẩy vào vàng. Một số khác chọn cách giao dịch tỷ lệ vàng/bạc – thước đo cho biết cần bao nhiêu ounce bạc để đổi lấy một ounce vàng.
Chỉ số này có lịch sử lâu đời, từng dao động quanh mức 10 – 15 lần ở Hy Lạp cổ đại, nhưng được cho là rất bất ổn. Những thời điểm thị trường hoảng loạn, như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thường khiến dòng tiền nghiêng hẳn về vàng. Trong đại dịch Covid-19, tỷ lệ này từng vọt lên tới 127, theo dữ liệu từ LSEG; tháng trước, sự hỗn loạn xoay quanh chính sách thuế quan đã đẩy hệ số này lên tới 100.
Một mức chênh lệch lớn như vậy có thể được xem là hợp lý với những ai ưu tiên trú ẩn an toàn hơn là đặt cược vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bạc vẫn cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Kim loại này hiện diện trong ba lĩnh vực đang phát triển mạnh: công nghệ xanh, quốc phòng và điện tử. Đồng thời, lượng người ủng hộ bạc cũng đang tăng lên. Cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đã tiên phong khi công bố kế hoạch bổ sung bạc vào kho dự trữ quốc gia.
Ở chiều ngược lại, yếu tố cung cũng đóng vai trò hỗ trợ giá. Dù nhu cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2024, nhưng theo Viện Bạc (Silver Institute) – một tổ chức công nghiệp có trụ sở tại Mỹ – nhu cầu bạc vẫn sẽ vượt cung năm thứ 5 liên tiếp trong năm 2025.
Các nhà giao dịch đang tìm cách né tránh hàng rào thuế quan bằng cách tích trữ vàng thỏi cũng đang chuyển hướng sang bạc. Đồng thời, tâm lý thờ ơ của nhà đầu tư với các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) bạc cũng đang dần biến mất. Theo dữ liệu từ Morningstar, chỉ trong 27 ngày đầu tháng 6, dòng vốn ròng đổ vào các quỹ bạc đã đạt 1,6 tỷ USD – vượt tổng dòng vốn cả năm 2024, sau hai năm liên tiếp chứng kiến dòng tiền rút ròng.
Cổ phiếu của Fresnillo, công ty khai thác bạc lớn của Mexico niêm yết tại London đã tăng 120% từ đầu năm đến nay.
Tất nhiên, bạc khó có thể sánh với vàng về sự yêu thích trong giới đầu tư. Tuy nhiên, màn thể hiện rực rỡ hiện tại cho thấy bạc đang có thời điểm tỏa sáng của riêng mình. Với vai trò kép, vừa là nơi trú ẩn an toàn, vừa là đại diện cho các lĩnh vực tăng trưởng, bạc dường như phản ánh rất chính xác tinh thần của thời đại.