1. GDP Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011
Tổng cục Thống kê vừa cho biết năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 8,02% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Trong đó, GDP quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%. Đạt được kết quả này là do tình hình kinh tế đã khôi phục trở lại.
Cụ thể, trong từng lĩnh vực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, ngành thủy sản tăng 4,43%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%.
Trong khi đó, năm 2022 ghi nhận ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, ngành khai khoáng tăng 5,19%, ngành xây dựng tăng 8,17%..
Riêng với khu vực dịch vụ đánh dấu sự khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Ngành bán buôn (tăng 10,15% so với năm trước); ngành vận tải kho bãi (tăng 11,93); ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 9,03%, ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6% do dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Trong năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.
Tính chung năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Dù vậy, quy mô chỉ đạt 82,5% so với ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch bệnh.
Khách quốc tế đến nước ta đạt 3,661 triệu lượt người trong năm nay, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019.
2. CPI cả năm 2022 tăng 3,15%
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15%, lạm phát cơ bản tăng 2,59%.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó: 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng. Tính chung quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo Tổng Cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021.
Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74% so với năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09% so với năm trước.
Cuối năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng CPI là khoảng 4%.
Như vậy, mục tiêu này đã được hoàn thành. Tổng cục Thống kê nhận xét, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
3. Ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 25/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.
Quy hoạch xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
4. Ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.
5. Việt Nam mở cửa bầu trời
Gần hai năm đóng cửa bầu trời, từ ngày 15/2, Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế và tiến tới cởi bỏ nhiều quy định phòng chống Covid-19 như xét nghiệm, khai báo y tế…
Quyết định nhằm khơi thông giao thương giữa Việt Nam với các nước, khôi phục hoạt động du lịch - ngành kinh tế đóng góp khoảng 9% GDP cả nước. Tuy nhiên, do nhiều thị trường vẫn đóng cửa, lạm phát toàn cầu, giá cả leo thang… lượng khách quốc tế tới Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, cách xa con số mục tiêu - 5 triệu. Ở giai đoạn hoạt động bình thường như năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách nước ngoài, tổng thu đạt 32,8 tỷ USD.
6. Trung ương ban hành nghị quyết về đất đai
Năm 2022, Trung ương Đảng ban hành hàng loạt nghị quyết. Một trong những điểm nhấn là Nghị quyết 18 với chủ trương quan trọng - bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức "phù hợp với giá phổ biến trên thị trường". Việc thu hồi đất chỉ làm sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đất công dùng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi. Người có nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang sẽ bị áp thuế cao.
Nghị quyết 18 là định hướng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau nhiều lần trì hoãn trình Quốc hội, khắc phục bất cập thị trường bất động sản nhiều rủi ro, giá đất được xác định thường thấp hơn giá thị trường gây thất thoát thuế...
Nhiều nghị quyết quan trọng khác cũng được ban hành trong năm như: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng…
7. Khan hiếm xăng dầu
2022 là năm "dị biệt" của xăng dầu khi thị trường trong nước bất ngờ thiếu nhiên liệu. Đỉnh điểm là vào tháng 8, hàng loạt cây xăng tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đồng loạt đóng cửa. Người dân chen chúc hàng giờ chờ tới lượt đổ nhiên liệu. Khan hiếm xăng dầu sau đó lan ra phía Bắc, nhiều cây xăng ngừng hoặc bán nhỏ giọt.
Ngoài tác động từ thế giới, nguyên nhân khiến thị trường năm nay bất ổn là các doanh nghiệp đầu mối phải nhập hàng ở thời điểm giá cao, bán ra lúc giá thấp nên bị lỗ; chi phí kinh doanh xăng dầu tăng vọt nhưng không được điều chỉnh kịp thời vào giá cơ sở. Cùng đó, Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối ở phía Nam từ 30 đến 45 ngày, trong khi chưa có kịch bản ứng phó, điều phối hàng để bù đắp... càng "bồi" thêm khó khăn về nguồn cung.
Thị trường xăng dầu hiện tạm ổn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý. Bộ Công Thương đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một số quy định trong kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95/2022) để lập lại trật tự thị trường.
8. Xử lý hàng loạt sai phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu
Hơn một thập kỷ từ sự việc Dược Viễn Đông, thị trường mới chứng kiến những vụ "thao túng chứng khoán" chấn động. Những nhóm cổ phiếu đầu cơ "làm mưa, làm gió" như FLC hay Louis Holdings vào tầm ngắm. Người đứng đầu những hệ sinh thái này, Trịnh Văn Quyết và Đỗ Thành Nhân, bị khởi tố cùng tội danh thao túng, thổi giá cổ phiếu.
Thị trường bị ảnh hưởng, các chỉ số lao dốc, đi cùng với sụt giảm về thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư. Đà bán tháo tăng vọt, đặc biệt là nhóm penny và bất động sản.
Với thị trường trái phiếu, sau hơn hai năm bùng nổ, kênh đầu tư này bất ngờ bị siết chặt. Guồng quay với tốc độ cao bị khựng lại đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp, ngay cả quy mô lớn, cũng gặp vấn đề về thanh khoản.
Việc giới hạn nhà đầu tư tham gia và nâng cao yêu cầu phát hành trái phiếu riêng lẻ khiến giá trị phát hành rơi thẳng đứng. Một phần nguyên nhân đến từ lòng tin của nhà đầu tư, khi nhiều sai phạm bị khởi tố. Khởi đầu là đợt phát hành hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh, nối tiếp là Vạn Thịnh Phát.
Trái phiếu - kênh đầu tư có tính chất an toàn cao hơn nhiều kênh khác - bị nhà đầu tư quay lưng. Nhiều doanh nghiệp có tài chính ổn định, những quỹ đầu tư trái phiếu lớn cũng rơi vào cảnh bị "tẩy chay", bán tháo. Sự khựng lại của một "bánh răng" quan trọng trong vòng quay vốn của nền kinh tế khiến dòng chảy gián đoạn, tạo thành nút thắt lớn.
9. Liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành và tỷ giá trong vòng hơn 1 tháng
Lần đầu tiên trong vòng hơn 1 tháng (từ 23/9 đến 25/10), Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành và tỷ giá; trong đó có 2 lần tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động; 1 lần nới biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD từ mức ±3% lên ±5%.
Sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ kiềm chế lạm phát, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, cũng như các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
10. Thị trường chứng khoán xác lập nhiều kỷ lục
Năm 2022, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử có phiên vượt 1.500 điểm, nhưng chỉ sau hơn nửa năm đã có lúc rơi xuống dưới 900 điểm. Biến động mạnh liên tiếp đã đưa VN-Index lọt "top" các chỉ số tăng/giảm mạnh nhất thế giới.
Trong năm, vốn hóa HoSE cũng từng thiết lập kỷ lục với hơn 6 triệu tỷ đồng vào đầu tháng Tư; trong 11 tháng năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, con số lớn nhất trong lịch sử 22 năm thành lập thị trường.
Trong bối cảnh thị trường tăng nóng và xuất hiện tình trạng thao túng giá cổ phiếu, các cơ quan quản lý đã quyết liệt xử lý nhằm siết chặt kỷ cương và lành mạnh hóa thị trường.
Theo Đầu tư tài chính