Masan đã quyết định chi 280 triệu USD để sở hữu 85% cổ phần Phúc Long. Theo chia sẻ của ông Danny Le – Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan, tập đoàn này có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, muốn phục vụ trực tiếp người tiêu dùng thì cần tiếp cận đến lĩnh vực bán lẻ thương mại. Chiến lược tốt nhất với Masan lúc này là M&A – đầu tư với quy mô lớn để cạnh tranh với các chuỗi thương hiệu của nước ngoài. Đó cũng là lý do tạo nên thương vụ bom tấn với VinCommerce cách đây 3 năm.
Còn đối với Phúc Long lần này, ông Danny Le nhấn mạnh: “Tại Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long, một thương hiệu nội địa khá mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng với Phúc Long, ta có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Trong lĩnh vực trà - cà phê, Phúc Long là một thương hiệu mạnh giống như Starbucks để có thể đưa ra thế giới”.
Theo đó, Masan đã bỏ 15 triệu USD để tham gia sở hữu 20% cổ phần Phúc Long từ tháng 5/2021. Sau hai lần tăng tỷ lệ sở hữu lần lượt 51% và 85%, chuỗi đồ uống Phúc Long chính thức về tay Masan với định giá hơn 450 triệu USD. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, chuỗi Phúc Long đã đóng góp 1.143 tỷ đồng doanh thu vào tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của Phúc Long đạt 199 tỷ đồng.
Các cửa hàng flagship đóng góp gần 67% doanh thu, đạt 761 tỷ đồng và 233 tỷ đồng EBITDA. Trong quý III, Phúc Long đã mở thêm 15 cửa hàng flagship. Dự kiến trong quý IV, Masan sẽ tiếp tục mở mới 30 cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Còn hệ thống kiosk (tích hợp Phúc Long vào WinMart+) đang mang về 382 tỷ đồng cho Phúc Long trong 9 tháng đầu năm, tức chiếm hơn 33%. Các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN (cửa hàng tích hợp WinMart - nhu yếu phẩm, Techcombank - dịch vụ tài chính, Phúc Long - trà và cà phê, Dr. WIN - chăm sóc sức khỏe và Reddi - dịch vụ viễn thông) đầu tiên có doanh thu/ngày tăng 116% so với các kiosk tại các cửa hàng WinMart+.