Ngày 16/10, theo thông tin được công bố trên website của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và công bố thông tin gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước, ông Vũ Anh Đức vừa được Ngân hàng Nhà nước chỉ định làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của SCB, kể từ ngày 14/10.
Đồng thời, ông Bùi Anh Dũng không còn là người đại diện theo pháp luật của ngân hàng SCB kể từ ngày 14/10.
Ông Vũ Anh Đức (1977) là Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh 11 TP.HCM. Ông Vũ Anh Đức từng làm Phó phòng Đầu tư, Trưởng phòng Thị trường vốn - Khối kinh doanh vốn… của VietinBank.
Ông Đức tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kinh tế phát triển, đạt trình độ lý luận chính trị loại cao cấp. Tại VietinBank, ông Đức được đánh giá là thành viên có chuyên môn cao, thường xuyên được tuyên dương và khen thưởng từ phía Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và VietinBank, với danh hiệu Nhà lãnh đạo xuất sắc nhất năm.
Chủ tịch HĐQT SCB ông Vũ Anh Đức chính có thư gửi cán bộ công nhân viên SCB. Trong thư, ông Vũ Anh Đức cho biết: “Căn cứ các quyết định hiện hành của pháp luật và được sự tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tôi chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT SCB”. Như vậy, ông Vũ Anh Đức thay ông Bùi Anh Dũng ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT SCB. Sau khi SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, NHNN thông tin lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
Ông Vũ Anh Đức viết rằng: “Ngay lúc này, các anh chị em đang trải qua khoảng thời gian rất khó khăn. Tôi cũng hiểu những áp lực các bạn đang đối mặt hay các điều các bạn đang lo lắng về hoạt động của SCB trong thời gian tới. Tôi muốn nói rằng, trong hành trình phát triển của một tổ chức, không tránh khỏi những khó khăn, thử thách để hoàn thiện và lớn mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành luôn quan tâm và chú trọng vào việc đảm bảo hoạt động ổn định cho các tổ chức tín dụng nói chung và SCB nói riêng”.
Chính vì vậy, trong thư ông Vũ Anh Đức đề cập: “Anh chị em hoàn toàn có thể yên tâm, bởi chúng ta không đơn độc trên hành trình phát triển của mình mà có sự chung tay góp sức của nhiều nguồn lực khác từ các cơ quan ban ngành. Cùng với tôi và các anh chị em có sự đồng hành của 4 thành viên HĐQT. Đây là những lãnh đạo từ các ngân hàng nhà nước (Vietinbank, Vietcombank, BIDV) sẽ cùng tham gia vào công tác quản trị, điều hành SCB trong thời gian tới”.
Ông Vũ Anh Đức đánh giá cao và ghi nhận sự nổ lực của Ban lãnh đạo cùng tập thể SCB hơn 7.000 người đứng trước những khó khăn đã triển khai các biện pháp nhằm ổn định tình hình, trấn an khách hàng. Những tín hiệu tích cực khi số lượng khách hàng đến giao dịch đã hạ nhiệt, cũng như lượng tiền gửi quay trở lại SCB càng tăng.
Cũng theo Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bổ nhiệm mới 4 thành viên Hội đồng quản trị khác là: ông Phạm Quang Tiến, Võ Văn Bửu, Trang Nhân Hậu và Lý Thành Phương.
Các quyết định có hiệu lực từ ngày 14/10/2022.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của cơ quan điều hành. Và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.
Liên quan đến tiền gửi của người dân tại SCB, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định đã áp dụng những biện pháp cần thiết để ngân hàng SCB hoạt động bình thường, bảo đảm thanh khoản.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản gửi tiền của người dân tại các ngân hàng, trong đó có SCB, đều được Nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. Do đó, những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để bảo đảm quyền lợi của mình.
An Như