Truy xuất nguồn gốc – ‘chìa khóa’ khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng và trở thành tiêu chí cần phải có trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Điển hình trong số đó, tại Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) những năm trước đây, sản phẩm được tiêu thụ chưa nhiều ở thị trường ngoài tỉnh, giá cả không cao. Để mở rộng khách hàng trong nước, Hợp tác xã đã đầu tư hạ tầng và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ sản phẩm tinh bột nghệ đầu tiên, đến nay Hợp tác xã đã sản xuất ra 15 sản phẩm khác nhau, trong đó có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.

Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh, đơn vị đã sử dụng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản NBC-Trace của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia. Thông qua mã QR gắn trên sản phẩm, tất cả công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực hiện.

Đại diện Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết, so với trước đây, Hợp tác xã mới có tem truy xuất thông tin, việc được Sở KH&CN tỉnh hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã khẳng định uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại; chất lượng, giá cả sản phẩm được nâng tầm, tiếp cận và chinh phục nhiều khách hàng tin tưởng sản phẩm. Nhiều đại lý, công ty trong và ngoài tỉnh đặt hàng làm nhà phân phối và sử dụng sản phẩm HTX làm quà tặng.

Hiện nay, riêng lượng tiêu thụ sản phẩm tinh bột nghệ của Hợp tác xã năm sau tăng lên nhiều lần so với năm trước (trước đây 1 năm bán được khoảng 2 tấn tinh bột nghệ, hiện bán gấp 2 lần năm trước).

Trong tiến trình chuyển đổi số, các giao dịch trên thị trường, sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số đang được phổ biến rộng rãi. Việc quét mã QR truy xuất nguồn gốc đang trở thành xu hướng tiêu dùng thông minh của người dân trong tỉnh. Thao tác quét mã QR khá đơn giản, dễ sử dụng thông qua một số phần mềm hỗ trợ quét mã QR trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu chi tiết về sản phẩm, quá trình sản xuất của sản phẩm.

Để đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho Sở KH&CN trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành các văn bản như: Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 25/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu cho Sở ban hành Kế hoạch số 256/KH-SKHCN ngày 01/4/2022 triển khai thực hiện Kế hoạch số 08/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc" trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Chi cục đã tham mưu cho Sở KH&CN trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 2 nhiệm vụ về truy xuất nguồn gốc thực hiện Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh: "Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình" và "Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm Cơm cháy của tỉnh Ninh Bình", các nhiệm vụ trên do Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia-Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023.

Kết quả, thông qua 2 nhiệm vụ trên đã hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đào tạo, hướng dẫn việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy và thảo dược theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam; hỗ trợ 60.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm sản phẩm nêu trên, với tổng kinh phí của 2 nhiệm vụ là 1.185.000.000 đồng.

Truy xuất nguồn gốc trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội, là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hay tại Bình Định, thực hiện đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản ghi chép hồ sơ truy xuất nguồn gốc; thiết lập và giám sát mã số vùng trồng; kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bình Định và Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định (thuộc Sở KH&CN) đã tập trung hỗ trợ 28 sản phẩm ứng dụng hệ thống TXNG. Trong năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tổ chức khảo sát, lựa chọn 9 tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ, triển khai xây dựng hệ thống TXNG, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và nhãn hàng hóa.

Đồng thời, phối hợp Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia xây dựng, áp dụng hệ thống TXNG đối với 5 sản phẩm, gồm: Ớt, yến sào, bưởi, dừa xiêm, xoài trên địa bàn tỉnh, ứng dụng giải pháp công nghệ trong TXNG và kết nối với Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc TXNG hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản không những giúp làm rõ ràng lý lịch sản phẩm hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là gia tăng niềm tin nơi người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn, có địa chỉ xuất xứ tin cậy, giúp nông dân khẳng định thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.

Huyện Hoài Ân là một trong những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất Bình Định; đặc biệt là cây bưởi da xanh, với hơn 342 ha, trong đó đã có 45 ha hợp chuẩn VietGAP. Đến nay, bưởi da xanh của huyện đã được xây dựng hệ thống TXNG. Đáng chú ý, để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Trước khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm này được dán mã QR nhận diện nhãn hiệu và TXNG sản phẩm, giúp nâng cao uy tín cho sản phẩm.

Sở Công Thương cũng tích cực hỗ trợ 10 DN sử dụng mã QR để TXNG của sản phẩm, qua đó giúp DN bảo đảm công khai, minh bạch, xác thực thông tin TXNG của sản phẩm; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý mã số, mã vạch và TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng cấp giấy xác nhận cấp mã số vùng trồng nội địa cho 15 vùng trồng, gồm các loại cây trồng về rau dưa các loại, cây ăn trái đã được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, chứng nhận an toàn thực phẩm; hướng dẫn trình tự thủ tục, hồ sơ đăng ký sản phẩm an toàn theo chuỗi; phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn phần mềm truy xuất và hỗ trợ tem điện tử cho một số cơ sở; phối hợp hỗ trợ xây dựng và đánh giá cấp giấy chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018.

Năm 2024, để tiếp tục triển khai Đề án 100 và Kế hoạch số 18 của UBND tỉnh đạt hiệu quả cao, Sở KH&CN đã chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục hỗ trợ, duy trì hoạt động hiệu quả đối với 5 sản phẩm đã được áp dụng hệ thống TXNG, đồng thời lựa chọn 2 sản phẩm nông sản tiêu biểu khác để triển khai mới. Ngoài ra, hằng năm, đơn vị còn hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 sản phẩm OCOP phát triển thành hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt được sản xuất ở quy mô lớn, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.