Hiện nay, TXNG đang trở nên vô cùng cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. Nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa như lương thực, thực phẩm… việc TXNG được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
Công nghệ TXNG hiện được rất nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu, như một khâu bắt buộc phải có của sản phẩm nếu muốn đưa ra lưu thông trên thị trường. Tại Việt Nam, TXNG được đặc biệt quan tâm sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100).
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, TXNG có thể hiểu là giải pháp cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ghi nhận tất cả thông tin, chuyển động của sản phẩm mỗi khi phát sinh thông tin từ lúc bắt đầu sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Mục đích cuối cùng là để có thể theo dõi và truy lại chính xác được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình hình thành ra sản phẩm cuối cùng trong chuỗi cung ứng.
Nói về tiềm năng và khó khăn của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để TXNG trong câu chuyện tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, theo ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC), doanh nghiệp đã thực hiện TXNG từ rất nhiều năm, các đơn vị nhập khẩu, đa phần thị trường mục tiêu của chúng ta đều yêu cầu TXNG. Họ thực hiện TXNG bằng cách sử dụng bên thứ 3 hoặc sử dụng người của doanh nghiệp sang tận nơi để giám sát quá trình sản xuất, hình thành và sau đó mới nhập khẩu.
Bằng sự phát triển của công nghệ thông tin, các công nghệ IoT, Big Data, iCloud... và rất nhiều công nghệ tiên tiến khác thì việc TXNG ứng dụng công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển. Tiềm năng của ứng dụng công nghệ thông tin trong TXNG là giúp giảm thiểu nhân lực tham gia quá trình thực hiện TXNG, giảm thiểu giá thành sản phẩm, đồng thời quá trình đánh giá nhà cung cấp cũng diễn ra nhanh hơn, tức thời hơn và sản phẩm rất dễ dàng tiếp cận các thị trường mục tiêu.
Tuy nhiên, bản chất TXNG giống như một công cụ chuyển đổi số mà doanh nghiệp không phải riêng Việt Nam mà toàn thế giới đều phải áp dụng. Việc chuyển đổi số ứng dụng trong quản lý, sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, chuyển đổi từ công nghệ, phương thức truyền thống sang công nghệ trong thời đại mới là chuyển đổi số hoàn toàn quá trình sản xuất, giám sát, quá trình xuất nhập khẩu cần sự thay đổi hạ tầng với đầu tư rất lớn về nguồn lực.
VietQ