Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố hoàn thành mở cửa thị trường Nhật Bản cho nhãn, thị trường Trung Quốc cho khoai lang và thị trường New Zealand cho chanh, bưởi của Việt Nam. Năm nay có thể được coi là năm thắng lợi với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới. Riêng với Trung Quốc, đầu tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được xuất khẩu thí điểm vào thị trường này, tiếp đến là sầu riêng và chuối. Mới đây, hai bên đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang, tổ yến..
Trong đó, mặt hàng tổ yến được kỳ vọng có tốc độ tăng xuất khẩu đáng kể nhờ giá trị lớn và nhu cầu tiêu dùng cao tại Trung Quốc, với sản lượng nhập khẩu lên đến 300 - 400 tấn/năm. Để đi đến ký kết Nghị định thư, Việt Nam đã mất hơn ba năm kiên trì, việc ký được Nghị định thư mở ra nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Ngành nuôi chim yến tại Việt Nam mang về sản lượng khoảng 120 tấn, trị giá hơn nửa tỷ USD, sẽ cón nhiều dư địa để phình to về quy mô khi có đầu ra, từ đó tạo điều kiện để sản xuất theo tiêu chuẩn cao từ các nhà nhập khẩu. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 13 nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Ngoài Trung Quốc, thị trường tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới như RCEP, CPTPP, gồm: Australia, New Zealand, Nhật Bản cũng đạt được những kết quả hơn mong đợi về mở cửa thị trường cho các loại nông sản xuất khẩu. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Việt Nam và New Zealand đã ký kết mở cửa thị trường xuất khẩu chanh và bưởi sang thị trường này từ 15/11/2022. Trước đó, xoài, thanh long và chôm chôm... đã được xuất khẩu sang New Zealand. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản khác.
Mới nhất, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã thông báo cho phép trái nhãn tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Nhật Bản, cùng đó, một đoàn chuyên gia của Nhật đang kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ sở xử lý lạnh trái nhãn trước khi xuất khẩu. Phía Nhật yêu cầu qủa nhãn tươi phải được sản xuất tại các vùng trồng được đăng ký, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không. Các lô hàng này được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày tại các cơ sở xử lý được phê duyệt, kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
10 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ). Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê gần 3,3 tỷ USD (tăng 33,4%); cao su 2,8 tỷ USD (tăng 11,2%); gạo trên 2,9 tỷ USD (tăng 7,4%); hồ tiêu 829 triệu USD (tăng 4,7%); sắn và sản phẩm sắn 1,1 tỷ USD (tăng 16,5%), cá tra trên 2,1 tỷ USD (tăng 76,5%), tôm 3,8 tỷ USD (tăng 20,3%)...