Trong 10 tháng, cả nước xuất siêu 9,4 tỷ USD

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%.

Trong 10 tháng, xuất siêu sang EU ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 53,7 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 32,1 tỷ USD, tăng 17,9%; nhập siêu từ ASEAN 10,1 tỷ USD, tăng 0,8%.

Trong 10 tháng, cả nước xuất siêu 9,4 tỷ USD - Ảnh 1 Xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 7,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 105,28 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,14 tỷ USD, tăng 12%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%. Trong 10 tháng có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45%, giảm 1,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,7%, tăng 1,3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 100,7 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê cho biết, cũng trong tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,63 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,3 tỷ USD.

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.

Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hóa trong nước.

Trước thực tế này, để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm 2022 trên 750 tỷ USD và tiếp tục giữ được vị thế xuất siêu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng loạt các giải pháp.

Trong đó, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng và xây dựng thương hiệu; Đẩy mạnh khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; Thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.

Theo KTMT