Theo đó, tại văn bản kiến nghị, Hiệp hội phản ánh về quy định xuất khẩu mặt hàng tinh dầu quế theo quy định tại Thông tư 48 ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế tại Lào Cai và Yên Bái gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khi tất cả loại tinh dầu đều phải áp dụng các quy định về kinh doanh dược liệu, không phù hợp với điều kiện sản xuất, sản phẩm và thị trường tiêu thụ.
VPSA cho biết: "Năng lực chế biến quy mô nhỏ lẻ nên làm phát sinh rất nhiều chi phí, đòi hỏi thêm các giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong khi đây là sản phẩm giá trị gia tăng, giúp khai thác và tận dụng tối đa 100% giá trị cây quế".
Theo VPSA, sản phẩm tinh dầu quế yêu cầu công nghệ chế biến và tạo thêm giá trị gia tăng. Đây là sản phẩm tận thu của cây quế, lá cành khi cắt tỉa (tỷ lệ sản xuất là 150 tấn lá cành cho ra 1 tấn tinh dầu) và không sử dụng làm thuốc mà chỉ được xuất khẩu làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống theo yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Việc quy định và quản lý mặt hàng tinh dầu quế hiện nay theo các quy định trên đã gây khó khăn do doanh nghiệp muốn xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, tại vùng nguyên liệu hiện đang tồn kho khoảng 100 tấn và ước tính hết vụ quế mùa Xuân tháng 3 đến 4/2024 sẽ có thêm khoảng 400 tấn tinh dầu nữa. Giá trị thị trường khoảng 400 triệu đồng/tấn.
Trước thực tế trên, VPSA kiến nghị việc quản lý cần tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu tối đa, nhất là xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng và nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ giảm phát thải carbon, tạo sinh kế của bà con dân tộc vùng cao.
Trước đó, ngày 1/2, VPSA cũng có văn bản gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Tổng cục Hải quan, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạo điều kiện cho tinh dầu quế được xuất khẩu theo kê khai doanh nghiệp, là nhóm thực phẩm hàng hóa xuất khẩu thông thường, mục đích sử dụng không phải làm nguyên liệu thuốc hay dược liệu.
Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng là tinh dầu quế tự nhiên để làm nguyên liệu cho thực phẩm, đồ uống thì các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo, tuân thủ theo đúng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về các hàng hóa xuất khẩu.
Trong diễn biến liên quan, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, quế là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gia vị Việt Nam chiếm 21,4% thị phần xuất khẩu sau hồ tiêu. Năm 2023 xuất khẩu quế đạt 89.300 tấn, kim ngạch đạt 261 triệu USD trong đó có một phần đóng góp xuất khẩu của mặt hàng tinh dầu quế. Cây quế hiện nay cũng là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho các bà con dân tộc miền núi phía Bắc do cây quế có chu kỳ khai thác từ 7-25 năm, sản phẩm có thể bảo quản lâu dài.
"Việc xuất khẩu tinh dầu quế của các doanh nghiệp bị tắc nghẽn sẽ làm cho đời sống của người nông dân càng thêm khó khăn khi đầu ra của sản phẩm không được tiêu thụ nên sản phẩm tận thu từ cây quế không được thu mua để chế biến. Cũng phải nói thêm, các nhà nhập khẩu hiện không yêu cầu chất lượng sản phẩm tinh dầu theo tiêu chuẩn dược liệu mà chỉ yêu cầu chất lượng theo nhóm thực phẩm, sản phẩm đồ uống. Hiện chất lượng tinh dầu quế của Việt Nam do khai thác từ sản phẩm tận thu của cây quế nên chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sâu làm dược liệu của thị trường thế giới", bà Liên nói.