Năm 2023 được coi là năm đánh dấu sự thành công vang dội của ngành gạo Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong năm qua, Việt Nam lập kỷ lục về khối lượng xuất khẩu gạo với gần 8,3 triệu tấn, tăng 16,7% so với năm 2022 và thu về 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%. Những con số đáng mừng này tiếp tục khẳng định vị thế của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Năm 2023 cũng là năm có nhiều quốc gia tăng cường nhập gạo Việt. Cụ thể, theo Tổng Cục Hải quan, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với hơn 3,1 triệu tấn, đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2022. Tiếp theo, việc xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt khoảng 1,15 triệu tấn, đạt kim ngạch 640 triệu USD. Con số này tăng đột biến tới 992% so với năm 2022. Trong năm 2023, sau Philippine, Indonesia trở thành khách hàng lớn thứ hai của gạo Việt. Trung Quốc cũng nhập khẩu tới 908.000 tấn gạo Việt trong năm 2023, đạt 530 triệu USD.
Sở dĩ gạo Việt xuất khẩu mạnh sang các thị trường như Philiipines, Indonesia… là vì gạo của Việt Nam những đặc điểm phù hợp với người dân của các quốc gia này.
Theo dự báo của các chuyên gia, giá gạo trong năm 2024 và trong tương lai vẫn giữ ở mức cao, do chính phủ Ấn Độ (quốc gia chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu) ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati hồi tháng 7/2023.
Còn theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo, các quốc gia nhập khẩu gạo như Indonesia, Philippines vẫn có nhu cầu mua vào và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Do đó, xuất khẩu gạo năm 2024 có thể mang về khoảng 5,3 tỷ USD.
Hiện nay, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Các nước Philippines, châu Phi… cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu gạo; riêng Philippines dự kiến sẽ nhập 3,5 - 4 triệu tấn gạo trong năm 2024.
Mặc dù tiềm năng xuất khẩu gạo lớn, nhưng diện tích trồng lúa ở Việt Nam cũng khó tăng thêm bởi diện tích ở miền Bắc đã hết. Còn diện tích tại khu vực phía Nam thì ảnh hưởng của ngập mặn sẽ tác động lên sản lượng và chất lượng lúa. Do đó, để tăng sản lượng, cần thực hiện nhiều giải pháp.
Liên quan đến ngành gạo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cho rằng, ĐBSCL sẽ rất khó mở rộng diện tích sản xuất lúa bởi cạnh tranh lợi nhuận với cây trồng khác và thủy sản. Đặc biệt là chiến lược của ngành lúa gạo tập trung vào giá trị và Việt Nam sẽ không cạnh tranh về số lượng nữa.
Tuy nhiên, hiện cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp đưa ra chiến lược xuất khẩu cho năm 2024, trong đó đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính, giá trị cao đang được ưu tiên hàng đầu.
Trước những dự báo về giá gạo sẽ còn cao trong năm 2024, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.