Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (Ban Chỉ đạo).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Phó Trưởng ban thường trực) và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Tài chính; Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải.
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ chủ quản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao.
Theo chuyên gia Trần Thu Hường, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “tâm điểm” trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, có ý chí đổi mới sáng tạo, được đào tạo trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành bán dẫn… Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này, cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức với các giải pháp phù hợp và đồng bộ.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn khi thu hút được một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… tới xây dựng nhà máy. Ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển bởi hệ thống chính trị ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.
Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn), một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Với những lợi thế đó, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao; đồng thời cần thời gian và một tầm nhìn dài hạn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành này còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.
Ngoài ra, còn một số hạn chế như: Nhân lực trình độ cao, đồng thời thông thạo ngoại ngữ để có thể nắm bắt ngay công việc vẫn còn thiếu trầm trọng; việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực không thể triển khai ngay trong một thời gian ngắn. Đa phần các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ, trong khi để đầu tư nhà máy sản xuất chip đòi hỏi máy móc hiện đại, quy trình chuẩn mực, công suất đủ lớn và chi phí rất cao.
Để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện thêm một số giải pháp cụ thể như tập trung hỗ trợ và thúc đẩy các trường đại học lớn ở Việt Nam nghiên cứu chuyên môn, phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, bao gồm cả việc nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất; phát triển các ngành chuyên sâu về các lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bán dẫn. Bên cạnh đó, việc thành lập một Trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn, đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài đó là điều rất quan trọng.