Như MarketTimes đã thông tin, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 815/QĐ-XPHC xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với trại chăn nuôi lợn thuộc hệ thống của Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Hình thức xử phạt chính phạt tiền với trại lợn vi phạm là 132.000.000 đồng, cộng thêm các khoản chi phí bổ sung thi hành và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, tổng số tiền phải nộp là hơn 154,2 triệu đồng.
Sau thông tin trên, trong thông tin phát đi trên trang website của mình, Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết vào ngày 19/5/2023, BAF đã chấm dứt hợp thuê Trại Hòa Bình giữa Công ty và hộ kinh doanh Trần Thị Thu Hương.
Dự kiến, ngày 30/6/2023 Công ty BaF sẽ hoàn tất di dời toàn bộ số heo ra khỏi trại.
Cũng theo BAF, việc trại Hòa Bình bị xử phạt do vi phạm môi trường như trên là bài học quý giá cho doanh nghiệp trong hoạt động quản trị và kiểm soát tuân thủ các cam kết về an toàn môi trường và an toàn sinh học của các đối tác, chủ trại.
BAF hiện có 6 địa điểm kinh doanh tương tự trang trại vừa bị xử phạt tại Hòa Bình
Sau khi thông tin trên xuất hiện, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là hiện BAF đang có bao nhiêu trại chăn nuôi tương tự mô hình vừa bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt do xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 do BAF tự lập, tính đến thời điểm 31/3/2023, tính cả trang trại vừa bị xử phạt, Công ty cổ phần nông nghiệp BAF Việt Nam có đến 7 địa điểm kinh doanh tại các địa phương.
Cụ thể, ngoài trang trại tại Hòa Bình là địa điểm kinh doanh Hòa Bình 1 - Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam còn có 6 địa điểm kinh doanh tương tự gồm: Vĩnh Phúc 1; Thanh Hóa 1; Bình Thuận 2; Bình Thuận 1; Bình Phước; Bình Dương.
BAF đang đặt cọc thuê trại hàng chục tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 do BAF tự lập, tính đến 31/3/2023, doanh nghiệp này đang có khoản phải thu dài hạn cho hạng mục đặt cọc thuê trại và văn phòng ở mức hơn 57,8 tỷ đồng và đặt cọc xây dựng công trình trại là hơn 18,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, ở hạng mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang, BAF cho biết doanh nghiệp đang có đến hơn 492,4 tỷ đồng chi phí dở dang xây trang trại, tăng đáng kể so với mức hơn 319,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022.
Theo Nhịp sống Thị trường