Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố. (Ảnh dưới)
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích (riêng thiên tai 169 người). Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 9.300 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…
Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỉ đồng.
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường nhận định, từ tháng 7 đến tháng 9-2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Mùa mưa bão năm nay, Biển Đông có khả năng xuất hiện 11-13 cơn bão, trong đó có 5-7 cơn đổ bộ vào đất liền nước ta, tập trung chủ yếu vào giai đoạn cuối năm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các sông, suối nhỏ ở Bắc Bộ đạt mức báo động cấp II-III; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.
Các đại biểu tham dự hội tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…
Lào Cai thiệt hại hơn 1,1 tỷ đồng về thiên tai trong năm 2023
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai là một tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, chia cắt mạnh, độ dốc lớn. Những vùng đất có độ dốc trên 250 chiếm 80% diện tích đất của toàn tỉnh, có 02 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Chảy (thường xuyên chịu tác động từ lũ thượng nguồn phía Trung Quốc) và trên 107 dòng suối lớn, nhỏ nằm rải rác các nơi trên địa bàn tỉnh. Tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 19/22 loại thiên tai như: Rét hại, hạn hán, dông lốc, mưa lớn, sạt lở, lũ quét...
Năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 đợt thiên tai, làm 11 người chết, mất tích, 7 người bị thương, 659 ngôi nhà, 12.486,7ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại, 502 con gia súc, gia cầm bị chết, 12 điểm trường, 03 nhà văn hoá, 46 công trình thuỷ lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt lún… Ước thiệt hại 1.119 tỷ đồng.
Đặc biệt, đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/9/2023 xảy ra trận lũ quét tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa làm 7 người chết, 6 người bị thương, 18 nhà ở bị hư hỏng, thiệt hại, nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao; 1,57 ha ruộng lúa bị sạt lở không có khả năng khôi phục. Ước thiệt hại là 149.446 triệu đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 đợt thiên tai, trong đó 4 đợt rét hại (đợt 1: từ 20-29/1; đợt 2: từ ngày 7-10/2; đợt 3: 23-24/2; đợt 4: 29/2-03/3) rét nhất đợt 20-29/1 nhiệt độ các nơi phổ biến 5-70c, vùng núi cao dao động 0-30c thị xã Sa Pa và vùng núi cao huyện Bát Xát xuống dưới 00c; xảy ra 7 đợt dông lốc kèm theo mưa lớn từ trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 5, trong đó 02 đợt dông lốc mạnh gây thiệt lớn về tài sản hoa màu của nhân dân (đợt dông lốc đêm 30/4 đến 01/5 và đêm ngày 05 đến rạng sáng 6/5). Thiên tai làm 01 người bị thương, 1.355 nhà ở và công trình phụ trợ, 20 trường học, 01 trạm y tế, 11 nhà văn hoá thôn bản, 05 công trình thuỷ lợi bị ảnh hưởng, hư hỏng; ngoài ra còn một số cơ sở hạ tầng bị hư hỏng khác. Ước thiệt hại trên 62 tỷ đồng.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại hội nghị
Lào Cai chú trọng công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Với sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu (phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả) nên đã hạn chế được thiệt hại về người, tài sản.
Riêng trên địa bàn xã Liên Minh, thị xã Sa Pa được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các Phó Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch nước, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành, các cấp, UBND thị xã Sa Pa, xã Liên Minh huy động mọi nguồn lực, triển khai khẩn cấp, quyết liệt các biện pháp cứu người, tài sản, khắc phục thiệt hại. Nhờ thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, sau hơn 10 ngày xảy ra lũ quét cơ bản ổn định được tình hình và sau gần 1 tháng cuộc sống người dân đã cơ bản trở lại bình thường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trên địa bàn tỉnh, do tập quán và điều kiện sinh sống của đồng bào các dân tộc ở miền núi, rất nhiều hộ gia đình sinh sống, sản xuất ở những nơi gần suối, dưới chân taluy nên khi có mưa lớn, lũ quét, sạt lở xảy ra thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản; Địa hình dốc, bị chia cắt mạnh, nhiều khe suối nhỏ, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét; Công tác cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, các thiết bị cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; Nhận thức của người dân về công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, chủ quan, còn lao động, sản xuất hoặc ở lại lán trại, nương rãy trong khi có thiên tai xảy ra, sản xuất, kinh doanh tự phát, không trong quy hoạch. Các trang thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là đối với loại hình lũ quét, sạt lở đất.
Qua đó, tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 là 118,976 tỷ đồng (tỉnh Lào Cai đã đề xuất trong Báo cáo số 338/BC-UBND đề nghị hỗ trợ 368,976 tỷ đồng. Trung ương đã hỗ trợ cho tỉnh 250 tỷ đồng Tại Quyết định số 1739/QĐ-TTg ). Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Chính phủ ban hành một số Nghị định, Quyết định thay thế các văn bản đã hết hiệu lực; ban hành văn bản hướng dẫn khoản 1 Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ vì nội dung tại điều, khoản này có tính chất phổ quát, chưa rõ ràng nên các địa phương khó thực hiện.
Lào Cai cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thực hiện Luật Phòng thủ dân sự, trong đó cần hướng dẫn chi tiết về tổ chức, bộ máy của cơ quan Thường trực Phòng thủ dân sự các cấp đảm bảo tính kế thừa và thống nhất trên cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, nhất là nhận thức, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Để giảm tổn thất về người và tài sản trước thiên tai trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động sớm, chủ động trước mọi tình huống, tuyệt đối không chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng, chống thiên tai đồng bộ ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Đối với công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương cần duy trì nghiêm chế độ trực, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó và tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn./.