Xuất phát từ yêu cầu thực tế của tình hình mưa bão trên địa bàn, nhất là thiệt hại sau trận mưa lịch sử gây ngập lụt toàn TP.Đà Nẵng vào ngày 14/10, Đà Nẵng đã tích hợp và đưa tính năng “Theo dõi lượng mưa” lên ứng dụng Danang Smart City để phục vụ người dân.
Với tính năng mới này, người dân có thể chủ động theo dõi thông tin, diễn biến của tình hình mưa trên địa bàn và có biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến cực đoan của thời tiết.
Tại ứng dụng, số liệu đo mưa được trích xuất trực tiếp và trực tuyến theo thời gian thực tại 31 điểm quan trắc trên toàn TP.Đà Nẵng như: trạm hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê), phường Hoà Cường Nam (quận Hải Châu),… Từ chỉ số lưu lượng mưa, ứng dụng sẽ cùng tổng đài 1022 cung cấp các cảnh báo và hướng dẫn để người dân ứng phó kịp thời khi có diễn biến cực đoan của thời tiết.
Để cài đặt ứng dụng, người dân có thể tải ứng dụng Danang Smart City thông qua kho ứng dụng App Store dành cho điện thoại sử dụng hệ điều hành iOS và CHPlay dành cho điện thoại sử dụng hệ điều hành Android.
Trên ứng dụng Danang Smart City, người dân có thể mở tính năng “Theo dõi lượng mưa” thông qua biểu tượng phòng chống thiên tai. Tại đây, người dân sẽ xem được lượng mưa đo với chú thích đầy đủ và được phân biệt theo các cấp độ màu sắc. Và để xem được biểu đồ chi tiết lượng mưa, người dân có thể tìm kiếm theo tên trạm đo và bấm vào tên trạm. Để xem vị trí và thông tin tọa độ của các trạm đo, người dân chọn biểu tượng bản đồ kế bên thanh tìm kiếm, chọn trạm để xem thông tin tọa độ và lượng mưa.
Theo lãnh đạo Sở TT&TT TP.Đà Nẵng, trong thời gian tới, chức năng “Theo dõi lượng mưa” sẽ được nâng cấp, phát triển và cung cấp thông tin tại nhiều điểm quan trắc trên địa bàn TP.Đà Nẵng hơn cũng như tại các địa phương lân cận như Quảng Nam, Huế...
Bên cạnh đó, ứng dụng sẽ tích hợp bản đồ đo mưa, có kèm cảnh báo và so sánh để người dân chủ động trong sinh hoạt, đi lại cũng như ứng phó với diễn biến của thiên tai, bão lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Được biết, đây là một trong những bước đi của Đà Nẵng trong tiến trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số tại địa phương, trong đó lấy người dân làm trung tâm để phục vụ.