Thanh Trì (Hà Nội): Nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông?

(Xây dựng) - Nhiều người dân xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) phản ánh, từ dự án cải tạo nhà chờ bến đò, sau nhiều năm đã bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực. Bên trong, nhiều công trình kiên cố, thậm chí cả sân khấu tiệc cưới được dựng lên để kinh doanh.
Thanh Trì (Hà Nội): Nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông?
Theo phản ánh, dự án cải tạo, nâng cấp nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông.

Nhà chờ hay nhà hàng?

Từ tháng 8/2024, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND về thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra các nội dung: Công tác triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng theo quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống. Công tác quản lý đê điều, công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm, các hoạt động xây dựng khu vực ngoài đê. Công tác rà soát các khu vực bến bãi đủ điều kiện hoạt động và phù hợp tiêu chí. Công tác cấp phép các bến bãi và quản lý luồng tuyến; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Cũng trong thời gian qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được phản ánh của nhiều người dân xã Vạn Phúc liên quan đến dự án cải tạo nhà chờ bến đò. Theo phản ánh, khu vực nhà chờ bến đò trước đây khá sơ sài, từ năm 2014 đến nay đã được cải tạo. Tuy nhiên, thay vì chỉ cải tạo như được phê duyệt, qua nhiều năm, nhà chờ bến đò bỗng biến thành nhà hàng rộng hàng nghìn mét vuông ngay sát bờ sông Hồng.

Thanh Trì (Hà Nội): Nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông?
Bên trong “nhà chờ bến đò” có cả một sân khấu tổ chức tiệc cưới hoành tráng.

Để xác minh những phản ánh của người dân Vạn Phúc, phóng viên đã khảo sát thực địa tại vị trí nêu trên. Xác minh thực tế cho thấy, tại bến đò Vạn Phúc, người dân chỉ đứng chờ đò khu vực mua vé. Riêng khu vực nhà chờ bến đò trước đây, không ai còn nhận ra. Bên ngoài, mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông đã được quây kín bởi tường bao và cây xanh. Lối dẫn vào là một cổng xây kiên cố với hàng chữ “Ẩm thực ven sông”.

Sâu bên trong khu vực này, chính giữa là một nhà sàn được dựng với nhiều cột gỗ, lợp mái ngói đỏ. Xung quanh đó là vài công trình nữa được lợp mái tôn xanh. Đặc biệt, mặt tiếp giáp sông Hồng, không rõ ai đó đã xây dựng đua ra mép bờ sông một công trình kết cấu thép tương đối rộng. Cùng với đó là một lối nhỏ được trải thảm cỏ nhân tạo, dẫn thẳng xuống sông Hồng. Dưới sông luôn có 2 chiếc thuyền neo đậu, mà theo người dân là dùng để đón khách ăn uống, vui chơi giải trí.

Vi phạm lịch sử?

Để làm rõ những thông tin người dân phản ánh, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Vạn Phúc. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý trật tự xây dựng và đô thị cho biết, những phản ánh của người dân là đúng, nhưng đã tồn tại nhiều năm qua. Nơi gắn biển nhà hàng “Ẩm thực ven sông” như phản ánh, trước đây vốn được ông N.T.L - một người dân xin sửa chữa nâng cấp nhà chờ và dốc bến đò Vạn Phúc.

Thanh Trì (Hà Nội): Nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông?
Một công trình kiên cố kết cấu thép được xây dựng đua ra phía bờ sông Hồng.

Theo đó, từ năm 2014, ông N.T.L đã làm đơn đề nghị gửi UBND huyện Thanh Trì, xã Vạn Phúc và Hạt quản lý đê số 3 để được cải tạo nhà chờ đã xuống cấp, lấy chỗ nghỉ ngơi cho khách qua sông sau khi được giao thầu khai thác bến đò.

Thời điểm tháng 5/2014, Hạt quản lý đê số 3 đã có văn bản gửi Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội liên quan đến đề nghị của ông N.T.L. Theo đó, vị trí nhà chờ tạm bến đò Vạn Phúc tương ứng với vị trí K85+650 thượng lưu đê hữu sông Hồng, cách chân đê phía sông 1.300m, cách bờ vở sông Hồng 15m. Theo thiết kế ông N.T.L đề nghị, sẽ dựng nhà chờ có diện tích 70m2, kết cấu cột gỗ đường kính 220mm, mái lợp lá cọ. Hạt quản lý đê số 3 đề nghị ông N.T.L chỉ được phép triển khai khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời có phương án tháo dỡ nhanh chóng khi có lệnh thoát lũ.

Sau khi có văn bản nêu trên, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã ra Văn bản số 234/CCĐĐ-QL gửi ông N.T.L cho ý kiến về việc cải tạo, nâng cấp nhà chờ bến đò Vạn Phúc. Đơn vị này nêu, việc đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp nhà chờ và dốc bến đò Vạn Phúc để phục vụ nhu cầu dân sinh, đảm bảo an toàn là cần thiết. Tuy nhiên, vị trí nhà chờ nằm trong chỉ giới thoát lũ, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội yêu cầu ông N.T.L chỉ được cải tạo trên cơ sở công trình hiện có và không được mở rộng diện tích mặt bằng.

Thanh Trì (Hà Nội): Nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông?
Dưới lối dẫn từ “nhà chờ bến đò” luôn có 2 chiếc thuyền được cho là phục vụ nhu cầu ăn uống, giải trí của thực khách.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, nâng cấp nhà chờ bến đò, ông N.T.L đã tự ý xây dựng thêm một số công trình khi chưa được cho phép. Cụ thể, tháng 10/2015, ông N.T.L đã tự xây dựng thêm khu vực bếp ăn diện tích 50m2 cùng một phần kè phía dưới giáp sông Hồng. Tháng 1/2017, qua kiểm tra, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã phát hiện vi phạm, công trình xây không phép nằm trong phạm vi thoát lũ. Sau đó, UBND xã Vạn Phúc đã ra thông báo cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng, yêu cầu tự tháo dỡ.

Tại thời điểm vi phạm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn Hà Nội cũng phát đi Văn bản số 520/SNN-ĐĐ trả lời, làm rõ những kiến nghị của ông N.T.L. Sở này khẳng định, ông N.T.L đã vi phạm khi làm mặt bằng rộng hơn diện tích nhà tạm 54m2. Đồng thời bác đề nghị được cho công trình vi phạm này tồn tại để “phục vụ nhân dân trú mưa, nắng…”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu ông N.T.L tuyệt đối không xây dựng công trình kiên cố. Đặc biệt, không sử dụng nhà chờ vào mục đích khác.

Thanh Trì (Hà Nội): Nhà chờ bến đò Vạn Phúc bị “hô biến” thành nhà hàng ẩm thực ven sông?
Nhìn hình ảnh này, không ai có thể nhận ra đây vốn chỉ là dự án nhà chờ bến đò Vạn Phúc.

Tuy nhiên, đến nay, sau 7 năm có yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, theo phản ánh của người dân và xác minh của phóng viên, công trình này đang có dấu hiện bị “hô biến” một cách ngang nhiên. Từ một dự án nhỏ cải tạo, nâng cấp ban đầu, sau nhiều năm, bỗng dưng biến thành một nhà hàng ẩm thực với loạt công trình kiên cố.

Không hiểu vì lý do gì, công trình vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm mà chưa thể xử lý dứt điểm!?