Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm tại TCT Viglacera.
Qua kiểm tra, cơ quan thanh tra phát hiện việc xác định chi phí phải trả tại một số công trình xây dựng cơ bản (XDCB) của TCT Viglacera khi xác định giá trị doanh nghiệp CPH chưa chính xác, làm giảm GTDN.
Cụ thể, khi xác định GTDN để CPH, đơn vị tư vấn và TCT Viglacera đã không ghi nhận khoản tiền 10.112 triệu đồng trong GTDN về khoản chênh lệch phát sinh giữa chi phí phải trả với chi phí thực tế quyết toán tại 11 công trình XDCB do 3 đơn vị thuộc TCT Viglacera thực hiện (Công ty Xây dựng Viglacera; Công ty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera; Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera).
Theo quy định của Chính phủ, tổng số tiền phải thực hiện ghi tăng phần vốn nhà nước tại TCT Viglacera khi CPH là 17.032 triệu đồng.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc xử lý tài chính thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, TCT Viglacera đã xác định số tiền chênh lệch thời điểm xác định GTDN đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần, phải nộp về ngân sách nhà nước (NSNN) là 45.003 triệu đồng, TCT đã nộp số tiền này vào ngày 21/3/2019. Tuy nhiên, việc thu nộp tiền của TCT Viglacera không đúng thời hạn, dẫn đến phát sinh khoản lãi chậm nộp phải thu hồi là 27.037 triệu đồng. Tổng số tiền lãi chậm nộp phải thu nộp về NSNN (tạm tính) đến ngày 31/12/2019 là 27.037 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát, thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền về khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang CPH và tiền lãi phát sinh do chậm nộp của TCT Viglacera là 44.069 triệu đồng (hơn 44 tỷ đồng).
Đáng chú ý, TCT Viglacera còn một số khoản đầu tư tài chính dài hạn tại 4 công ty với số lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 là 304.348 triệu đồng.
Cụ thể: tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 52,64%, đầu tư vào Công ty cổ phần Viglacera Bá Hiến, số lỗ lũy kế của công ty là 61.322 triệu đồng, theo báo cáo đến năm 2020 TCT Viglacera đã thoái vốn tại công ty này; tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 55,92%, đầu tư vào Công ty cổ phần Viglacera Từ Liêm, số lỗ lũy kế của công ty là 46.136 triệu đồng; tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 86,41%, đầu tư vào Công ty CP Kính Viglacera Đáp cầu, số lỗ lũy kế của công ty là 205.029 triệu đồng; tỷ lệ sở hữu của TCT/vốn điều lệ là 96,19%, đầu tư vào Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera, số lỗ lũy kế của công ty là 71.838 triệu đồng.
Viglacrera báo lãi nghìn tỷ
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 và 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Viglacera, riêng quý II, doanh thu thuần của Viglacera đạt 3.928 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.219 tỷ đồng. Lãi sau thuế gần 626 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất 4 quý gần đây của Tổng công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Viglacera ghi nhận doanh thu đạt 6.703 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.025 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 777 tỷ đồng.
Được biết năm 2023, Viglacera đề ra kế hoạch doanh thu 15.750 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2022), lợi nhuận trước thuế 1.210 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2023, Viglacera đã hoàn thành 85% chỉ tiêu lợi nhuận và 42,6% kế hoạch doanh thu.
Mảng bất động sản công nghiệp là điểm sáng trong bức tranh hoạt động của Viglacera khi 6 tháng năm 2023, tổng diện tích cho thuê đạt trên 100 ha, khoản thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng đạt 2.708 tỷ đồng, giữ vai trò đóng góp chính cho mức doanh thu chung của Tổng công ty.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Viglacera đạt 23.155 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm 60% tổng tài sản, đạt 13.914 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2023 của Viglacera là 13.650 tỷ đồng, giảm hơn 223 tỷ đồng so với con số 13.873 tỷ đồng hồi đầu năm. Chiếm phần lớn trong nợ phải trả là nợ ngắn hạn với 8.259 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở người mua trả tiền trước ngắn hạn 2.190 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.597 tỷ đồng và 1.571 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn,...