Biết nhưng khó chỉ tên
Nói về thực trạng những cá nhân hay nhóm cổ đông chi phối các ngân hàng, ông Đặng Ngọc Huy (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ngãi) thẳng thắn rằng ngoài câu chuyện của SCB - Vạn Thịnh Phát, còn có nhiều doanh nghiệp đứng sau ngân hàng. Nếu giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối dòng tiền chảy vào những dự án sân sau của mình. Do sự phức tạp trong mạng lưới quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, rủi ro khi xuất hiện rất dễ đưa đến hiệu ứng domino không chỉ trong hoạt động ngân hàng.
Ông Trịnh Xuân An (đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai) nói: “Sở hữu chéo thì ai cũng biết, cũng nhận ra được nhưng để nêu tên, chỉ mặt, định danh lại rất khó. Nếu đánh giá về sở hữu chéo hiện nay, có thể thấy là có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta”.
Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội, hiện tồn tại nhóm cổ đông lớn đứng tên hoặc không đứng tên trong hội đồng quản trị, ban điều hành và nắm quyền chi phối, mất nhiều thời gian cho công tác điều tra. Sở hữu chéo sẽ tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng và đặc biệt là các hoạt động tín dụng.
Ông Hà Sỹ Đồng (đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị) đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay sân sau... trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần không hề mang đúng bản chất là “công ty đại chúng và niêm yết chứng khoán” như quy định pháp luật hiện hành, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn rất khó vạch tên, chỉ mặt.
Ông Đồng nói rằng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Ngoài ra là rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan như việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái khi giải trình về vấn đề này cũng thừa nhận: Trong sở hữu chéo, không chỉ sở hữu về vốn mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng. Ví dụ như việc dành tín dụng cho những nhóm lợi ích có sở hữu chéo ngầm cũng rất nguy hiểm, sẽ làm méo mó các hoạt động kinh tế, không công khai, minh bạch và làm ảnh hưởng tới môi trường chung.
Xử lý càng khó hơn
Phức tạp và khá phổ biến nhưng việc xử lý sở hữu chéo không hề dễ dàng. Nói như Phó thủ tướng Lê Minh Khái: “Vốn điều lệ nếu được công khai thì chúng ta xử lý được ngay và không còn trường hợp sở hữu chéo mà chúng ta phát hiện trên hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên, trong thực tế thì có thể là đứng tên hộ, có thể là nhờ người... nên cũng rất khó khăn”.
Trong một báo cáo gửi Quốc hội gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần. Việc này chỉ có thể được phát hiện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra. Giải quyết tình trạng này luôn là một thách thức lớn.
Thực tế “đánh” sở hữu chéo hơn chục năm qua của ngành ngân hàng cho thấy, dù câu chuyện vượt giới hạn sở hữu chéo, sở hữu cổ phần của các tổ chức, cá nhân trên sổ sách tại các ngân hàng cơ bản đã được xử lý nhưng tình trạng lách luật để ngầm sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp sân sau của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng luôn hiện hữu. Tuy nhiên, việc phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản, có hiện tượng sở hữu chéo mà thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy nhưng cũng có những biểu hiện sở hữu chéo chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.
Soi vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng có thể thấy, dự thảo luật cũng chỉ tập trung vào việc giới hạn về cho vay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhóm cổ đông hay khống chế tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng giảm từ mức 15% hiện hành xuống còn 10% vốn tự có. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng và người có liên quan không vượt quá 15% vốn tự có, giảm so với mức 25% hiện hành. Dự thảo cũng rút tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ 5% xuống còn 3%. Cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan tại tổ chức tín dụng cũng được đề xuất giảm xuống 15% so với hiện tại 20%.
Dĩ nhiên, với sự siết chắt và công khai minh bạch thì sở hữu chéo bên trong ngân hàng cũng sẽ giảm. Tuy vậy, theo GS.TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP. HCM), sở hữu chéo là một mục tiêu di động, thậm chí tàng hình. Các chủ ngân hàng có thể phân thân cổ phần thành cả phả hệ. Dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng họ vẫn có thể chi phối ngân hàng dễ dàng như trở bàn tay. Để đối phó với mục tiêu di động, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng lại chỉ hướng đến hằng số bất biến về tỷ lệ sở hữu, thành ra bao năm qua cứ liên tục gặp khó khăn trong chống sở hữu chéo ngân hàng.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng: Quy định chấm dứt sở hữu chéo ở trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đưa ra lần này là chưa mạnh. Muốn chấm dứt được sở hữu chéo thì phải công khai, minh bạch tổ chức cá nhân dính líu đến chuyện này và đặt lại mô hình giám sát liên quan đến ngân hàng.
Còn ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu dự thảo luật cần tập trung rà soát quy định pháp luật người có liên quan và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp “thuê”, “nhờ” người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu giải pháp: “Kinh nghiệm là hoạt động thanh kiểm tra, giám sát phải hoạt động độc lập, phải đủ năng lực và phải triển khai hoạt động thanh tra hết sức hiệu lực, hiệu quả, hết sức trọng tâm, trọng điểm. Làm hết nhưng đánh đúng, đánh trúng thì chúng ta xử lý được tình huống. Còn nếu chúng ta thiết kế một mô hình, tổ chức và cán bộ năng lực không đáp ứng yêu cầu thì cũng không thực hiện được”.