Nợ tiền bảo hiểm: 2 doanh nghiệp hệ sinh thái FPT lọt tốp đầu, tổng nợ hơn 10 tỷ đồng

Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội và Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT là hai doanh nghiệp có tên trong danh sách nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH TP.Hà Nội công bố, số nợ trên 10 tỷ đồng.

Bảo hiểm Xã hội TP.Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp). Theo đó, tính đến thời điểm 30/1/2020 có gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng tiền bảo hiểm. 

Một số doanh nghiệp được điểm tên gồm Công ty CP Giao hàng Tiết kiệm, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88, Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi – Hanel, Công ty TNHH Elentec Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH 1TV thuốc lá Thăng Long, Công ty TNHH Vận hành Vincom Retail...

 Danh sách doanh nghiệp, đơn vị nợ tiền bảo hiểm do BHXH Hà Nội công bố.

Đáng chú ý, trong danh sách nói trên có đến 2 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của FPT là Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội và Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT. Trong đó, Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội (MST 0106101135) nợ tiền bảo hiểm tháng 1/2023 của 4.120 lao động với số tiền 7.444.421.950 đồng; Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (MST 0104128565) nợ tiền bảo hiểm của 1.964 lao động với tổng số tiền là 3.756.755.150 đồng.

Được biết, cả hai công ty nói trên đều thuộc hệ sinh thái của FPT. Về phần mình, kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 104% mục tiêu doanh thu và 100% lợi nhuận được thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông 2022. EPS (Earning Per Share) đạt 4.421 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 22,2% so với năm trước.

Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng 

Với năng lực mạnh mẽ và doanh thu tăng trong năm 2022 là vậy, việc có 2 công ty thành viên của FPT nợ đọng, chậm đóng tiền bảo hiểm của hơn 6 nghìn lao động khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Trong một diễn biến liên quan, BHXH Việt Nam cho hay, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 nợ BHXH, BHYT, BHTN thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi; với tổng số tiền còn nợ hơn 4.048 tỷ đồng (cả gốc và lãi), của trên 213.300 người lao động.

Việc xử lý số tiền nợ BHXH kể trên để đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định trong các luật liên quan. Đặc biệt, trong số tiền doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, có một phần được trích từ tiền lương hàng tháng của người lao động nhưng không nộp đầy đủ.

Tổng số tiền doanh nghiệp đã trừ lương hàng tháng của người lao động trừ lương để đóng các khoản bảo hiểm khoảng 10,5% trên tổng lương tháng, gồm 8% vào quỹ BHXH, 1,5% vào quỹ BHYT và 1% vào quỹ BHTN. Do doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, nên khi lao động nghỉ việc không được chốt sổ để hưởng các quyền lợi bảo hiểm theo quy định (như lương hưu, chế độ BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp…).

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội danh chậm, trốn đóng BHXH, nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây cũng là điểm nghẽn khiến chưa vụ nào bị xử lý hình sự dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kiến nghị khởi tố 328 vụ từ năm 2018 đến 2022. Do đó, theo quan điểm của LS Hùng, nợ bảo hiểm sẽ còn tiếp diễn nên ngoài sửa Luật tăng tính răn đe cần phòng ngừa hơn là để cho việc đã rồi.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gần một nửa vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tới đây, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm tình trạng này.

Để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp (tránh tình trạng nợ kéo dài sau đó doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn khó thu hồi); trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất một số giải pháp “mạnh tay” hơn.

Cụ thể, ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH, khởi kiện ra toà, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành); Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung thêm một số chế tài, như: Cơ quan có thẩm quyền tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên (tương tự chế tài với doanh nghiệp nợ thuế); hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.

Theo CLVN