Những ngân hàng được ưu tiên tăng thêm mức tín dụng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với việc nới thêm 1,5-2% hạn mức tín dụng, 240 nghìn tỷ đồng sẽ được cung ứng cho nền kinh tế. Các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn sẽ được ưu tiên phân bổ mức tín dụng nhiều hơn.

tin-fing-1670513449.jpeg

Ảnh minh hoạ

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tăng chỉ tiêu tín dụng (room) trong năm 2022 cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%.

Trả lời báo chí ngày 8/12, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12,2%. Như vậy, room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Có thể nói, đây dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Nhưng điều quan trọng khi có thêm room tín dụng các NHTM cũng phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay. NHNN tiếp tục vừa theo dõi hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng vừa sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các NHTM để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.

Đáng chú ý, các NHTM được phân bổ có thể nhận các mức tín dụng khác nhau, tùy khả năng thanh khoản của mỗi ngân hàng cũng như việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng.

Ở đợt nới room tín dụng lần này, sẽ có những ngân hàng được phân bổ 1,5%, có ngân hàng thì 2% và có ngân hàng lại không được. Theo ông Tú, điều này nhằm khuyến khích những ngân hàng có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc nới hạn mức tín dụng thêm từ 1,5-2% nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, tạo dư địa hỗ trợ cho các lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

"Đây cũng là một trong các chính sách chúng tôi muốn khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Nếu như các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn thì cũng ưu tiên phân bổ mức tín dụng nhiều hơn", Phó Thống đốc NHNN chia sẻ.

Theo Phó Thống đốc NHNN, một số ngân hàng vẫn chưa sử dụng hết room tín dụng đã được phân bổ từ đầu năm. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), dư địa tín dụng còn khá dồi dào nên không cần thiết phải nới thêm. Trong khi đó, một số ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì NHNN thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng...

"Điều quan trọng nhất lúc này là cần những dự án, doanh nghiệp, lĩnh vực cần thiết để tập trung hỗ trợ vốn theo chỉ đạo của Chính phủ vào các lĩnh vực ưu tiên. Thứ hai, bản thân các NHTM phải đảm bảo được khả năng thanh khoản cũng như an toàn chung của hệ thống", ông Đào Minh Tú khẳng định.

Việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các NHTM tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn và lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc, với mức tăng từ 1,5-2%, tương đương với 240 nghìn tỷ đồng, được cung ứng thêm cho nền kinh tế. NHNN tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội.

Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, NHNN cũng giao Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kêu gọi, vận động các NHTM giảm lãi suất, tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Tất nhiên, tùy vào mức độ, khả năng cũng như năng lực tài chính của mỗi TCTD để đưa ra quyết định giảm lãi suất.

Đến nay, đã có 4 ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho nhiều đối tượng khách hàng là Vietcombank, Agribank, HDBank và ACB.

Theo Đầu tư tài chính