Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report công bố ngày 31/3, lĩnh vực xây dựng Hạ tầng và Công nghiệp được dự báo sẽ là trọng điểm phát triển, dẫn dắt sự tăng trưởng toàn ngành, khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng tích cực đạt mức cao nhất trong các lĩnh vực (lần lượt đạt 92,0% và 88,5%), hỗ trợ bởi nhu cầu tiếp tục tăng cũng như dòng vốn đầu tư công và FDI lớn trong năm nay.
Năng lượng và tiện ích là phân khúc tiềm năng ở cả khu vực công và tư nhân, với 68,0% số doanh nghiệp kỳ vọng triển vọng sáng hơn trong năm 2025. Trong khi đó, hoạt động xây dựng Nhà ở và xây dựng Thương mại dù được đánh giá cải thiện chậm hơn so với các lĩnh vực khác, song mức độ lạc quan đã gia tăng so với kết quả khảo sát cách đây một năm (lần lượt +12,8% và +5,2%).
Theo nhận định của các doanh nghiệp trong ngành, hai mảng này đã nhìn thấy sự chuyển biến tốt hơn và sẽ cải thiện dần trong những năm tiếp theo theo mức độ thẩm thấu của các chính sách và quy định liên quan.

Từ góc độ của doanh nghiệp, tuy rủi ro vẫn tiềm ẩn từ các yếu tố bên ngoài nhưng năm 2025 ngành sẽ bước vào quỹ đạo phục hồi và tăng trưởng, hướng tới mục tiêu đạt tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành xây dựng 10,7 - 15% theo chỉ đạo của Chính phủ với những động lực tổng hòa từ nhiều yếu tố.
Xây dựng là ngành mang tính chu kỳ kinh tế cao, phụ thuộc lớn vào tốc độ tăng trưởng và dòng vốn đầu tư. Do đó, 65,4% số doanh nghiệp tin tưởng sự khởi sắc của nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng trên 8% sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp thị trường xây dựng sôi động hơn trong giai đoạn này.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các dự án xây dựng khu công nghiệp và nhà máy sản xuất, kho bãi và cơ sở hạ tầng phụ trợ.

Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và là điểm rơi hoàn thành một số dự án quan trọng, do đó, được kỳ vọng chứng kiến nguồn vốn đầu tư công chạy nước rút về đích, kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.
Theo Bộ Tài chính, Chính phủ dự kiến giải ngân hơn 875 nghìn tỷ đồng cho các dự án đầu tư công. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, tạo dư địa tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.
Cũng trong năm 2025, các chính sách hỗ trợ và cải cách sẽ là đòn bẩy phát triển ngành xây dựng. Cụ thể:
Môi trường pháp lý cải thiện và sự phục hồi của thị trường bất động sản
Năm 2025 được kỳ vọng là thời điểm thẩm thấu của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi (có hiệu lực sớm từ tháng 8/2024), tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý, tạo điều kiện cho các dự án bất động sản triển khai nhanh hơn, kéo theo nhu cầu xây dựng gia tăng. Dù phân khúc cao cấp có thể tăng trưởng chậm do sức cầu còn hạn chế, mảng xây dựng nhà ở dự kiến sẽ có tăng trưởng trong năm 2025, đặc biệt ở phân khúc nhà ở xã hội và trung cấp.
Ngoài ra, Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội sẽ mở ra cơ chế linh hoạt hơn, tận dụng các khu đất chưa được sử dụng hiệu quả, tạo ra một làn sóng đầu tư mới, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xây dựng sẽ có thêm nhiều hợp đồng thi công.
Mặt bằng lãi suất thấp
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng trong việc huy động vốn, mở rộng hoạt động và đầu tư công nghệ. Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp xây dựng thường phụ thuộc vào nguồn vốn vay để triển khai các dự án quy mô lớn. Do đó, lãi suất giảm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tiết giảm chi phí tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hợp nhất Bộ ngành tạo ra sức mạnh tổng hợp
Việc hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải là một bước đi chiến lược. Trước đây, nhiều dự án xây dựng lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, chịu sự quản lý từ cả hai bộ, dẫn đến chồng chéo trong phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng và triển khai dự án. Việc hợp nhất giúp thống nhất đầu mối quản lý, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tối ưu hóa đầu tư công và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án hạ tầng lớn được triển khai nhanh chóng và đồng bộ.
Ví dụ, một dự án đường cao tốc đô thị không chỉ liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị và phát triển bất động sản xung quanh. Khi có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm từ quy hoạch đến triển khai, các doanh nghiệp xây dựng có thể tiếp cận và thực hiện dự án nhanh hơn, tránh những vướng mắc về pháp lý. Sự hợp nhất này cũng tạo điều kiện cho việc thống nhất các định mức, đơn giá, quản lý đầu tư xây dựng, tránh tình trạng phải xin ý kiến giữa hai bộ. Sự đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và phát triển giao thông sẽ được nâng cao, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Đặc biệt, với các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn và phức tạp, sự thống nhất trong quản lý giúp đảm bảo chất lượng, tiến độ và giảm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, đô thị mở rộng đến đó, kéo theo sự tăng trưởng của khu công nghiệp, trung tâm thương mại và dịch vụ, tạo ra chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào nền kinh tế.
Ngành xây dựng Việt Nam tiến vào một chu kỳ phát triển mới – một giai đoạn tái sinh đúng nghĩa, không chỉ đơn thuần là sự phục hồi sau những biến động, mà còn hàm ý một quá trình đổi mới, thích nghi và định hình lại bản chất của ngành trong bối cảnh kinh tế - xã hội đầy thách thức.