Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố Báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022.
Trong đó, từ kết quả kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án), KTNN đã chỉ ra tình trạng một số ngân hàng đến nay vẫn chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện một số mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại theo Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2017.
Cụ thể, một số ngân hàng được KTNN chỉ ra gồm: Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể nhằm thực hiện lộ trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (NHNT), Ngân hàng TMCP Bắc Á, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện một số giải pháp, lộ trình về nâng cao năng lực tài chính theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện giải pháp, lộ trình về tăng vốn điều lệ theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (NHNT), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam -NHNo, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện lộ trình về nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực... theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7/2017.
Mục tiêu của Đề án là tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.
Bên cạnh đó tiếp tục lành mạnh hóa tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các NHTM. Đến năm 2020, các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên); có ít nhất từ 1 đến 2 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.
Đề án cũng đặt mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).