Nhiều địa phương lên phương án ứng phó với bão Trà Mi

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 24/10, bão TRAMI (bão Trà Mi) sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 6.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 7 giờ ngày 24/10, cơn bão Trà Mi, có vị trí tâm ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 121,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Để chủ động ứng phó với bão, ngày 24/10, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) có Công điện số 10/CĐ-V01 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân về việc chủ động ứng phó diễn biến bão Trà Mi và mưa lũ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng Bộ (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, chủ động thông tin về diễn biến của bão để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.

Nhiều địa phương lên phương án ứng phó với bão Trà Mi - Ảnh 1

Hồi 7 giờ ngày 24/10, cơn bão Trà Mi, có vị trí tâm ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 121,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Thứ hai, đối với lực lượng Công an tại các khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Chủ động công tác phòng, chống bão, mưa lũ, kịp thời xử lý các tình huống ngay tại cơ sở, nhất là bảo đảm an toàn các hoạt động của người, phương tiện, tài sản trên biển, ven biển tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác an ninh, trật tự ở tất cả các địa bàn, không để chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.

Thứ tư, sẵn sàng mọi phương án phòng, chống thiên tai, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ năm, tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình, diễn biến, thiệt hại do thiên tai và công tác triển khai ứng phó của lực lượng Công an nhân dân về Văn phòng Bộ theo quy định (SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điện vừa có Công điện số 5990/CĐ-EVN ngày 24/10/2024, về việc chủ động ứng phó với bão Trà Mi và mưa lũ.

EVN yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất cấp điện trở lại bảo đảm an toàn cho con người, thiết bị, đặc biệt tuân thủ theo Phiếu thao tác, Phiếu công tác/Lệnh công tác.

Mặt khác, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong phát quang hành lang tuyến, tuyên truyền an toàn điện trong mùa mưa bão và ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác.

Đối với đơn vị bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, EVN yêu cầu phải cập nhật báo cáo, số liệu lên trang web http://phongchongthientai.evn.com.vn trước 07h00, 15h00 hàng ngày. Trường hợp xảy ra sự cố, thiệt hại lớn do thiên tai gây ra, đơn vị cần nhanh chóng cung cấp thông tin sơ bộ về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN.

Thực hiện Công điện của EVN, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trong PTC2 khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó bão Trà Mi (tiếng Việt là Trà Mi).

Theo đó, tại trụ sở làm việc, nhà điều hành sản xuất các đơn vị, Đội Xung kích PCTT&TKCN đã kiểm tra, xử lý hệ thống thoát nước, gia cố, chằng chống nhà cửa, chằng chống kho tàng lưu trữ tài liệu và vật tư thiết bị dự phòng, kiểm tra sẵn sàng hệ thống điện dự phòng, các kênh liên lạc đảm bảo vận hành thông suốt.

Đối với các tuyến đường dây, các Truyền tải điện tập trung kiểm tra móng cột, mương thoát nước đặc biệt là các vị trí xung yếu, các vị trí xử lý sạt lở do mưa bão đang được xử lý. Xử lý nhanh các khiếm khuyết tại các vị trí xung yếu, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng cho công tác xử lý khi xảy ra sự cố do mưa bão...

Cục Hàng không để chủ động ứng phó cơn bão Trà Mi, Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai; Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.

Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.

Đối với các cảng hàng không, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cục HKVN yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp và đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.

Đồng thời triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.

Cục HKVN cũng yêu cầu các Cảng vụ hàng không giám sát công tác triển khai các nội dung ứng phó tại các cảng hàng không liên quan; bảo đảm liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Cục HKVN và các cơ quan, đơn vị liên quan trong phạm vi trách nhiệm để triển khai ứng phó trong mọi tình huống.

Nhiều địa phương lên phương án ứng phó với bão Trà Mi - Ảnh 2

Nhiều địa phương lên phương án ứng phó với bão Trà Mi.

Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương chủ động lên phương án chủ động phòng, chống.

Sau khi nghe các ý kiến, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh: Theo dự báo hướng đi của bão Trà Mi thẳng vào miền Trung, Quảng Nam là tâm bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu, Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương theo dõi diễn biến, chỉ đạo sát sâu phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.

Tăng cường kiểm tra, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo lương thực tại chỗ, công cụ để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời.

Trong đó, các địa phương tập trung di dời dân những khu vực xung yếu ven biển, miền núi có nguy cơ sạt lở.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến của bão, để người dân có ý thức, hiểu được tầm quan trọng của phòng chống bão.

Bộ đội biên phòng thông báo thường xuyên tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, lực lượng Công an, dân quân thường trực sẵn sàng trong phòng chống bão…

Về tình hình tàu thuyền đang hoạt động trên biển có tổng số là 54 chiếc với 2.300 lao động. Trong đó, tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa có 50 tàu; vùng biển quần đảo Hoàng Sa còn 4 tàu cá với 112 lao động đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm. Dự kiến khoảng 16 giờ hôm nay (24/10), 4 phương tiện sẽ vào bờ.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương đơn vị phải có lãnh đạo thường trực 24/24 để chỉ đạo phòng chống bão, tăng cường kiểm tra lực lượng trang bị “4 tại chỗ”.

Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã để kịp thời nắm bắt thông tin từ cấp địa phương. Sở NN-PTNT xem xét tình hình để tổ chức cấm biển để đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh các địa phương cần tích cực thông báo, tuyên truyền cho nhân dân tự kiểm tra hệ thống điện, chủ động chặt tỉa cây xanh xung quanh nhà... để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Để chủ động ứng phó với bão Trà Mi

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đề nghị các địa phương sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền hoạt động trên sông, biển, cảng biển; theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của bão qua qua bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, website Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, APP và website của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM.

UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải TP thường xuyên thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão gần biển Đông để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch sản xuất, khai thác thủy sản phù hợp.

Các địa phương, đơn vị cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện… sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống; Đồng thời, tổ chức trực ban, kịp thời thông tin, báo cáo những tình huống bất lợi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 22/10, Bộ đã có Công điện số 7966/CĐ-BNN-ĐĐ gửi UBND các tỉnh/ thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ, ngành về việc ứng phó với bão Trà Mi gần biển Đông

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippin đã mạnh lên thành bão (Trà Mi); đến chiều ngày 24/10 bão đi bão biển Đông với cường độ cấp 10, giật cấp 12; đến 13h00 ngày 25/10, bão mạnh lên cấp 11, giật cấp 14, vùng nguy hiểm từ Vĩ tuyến 15,0-20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông (chi tiết theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia).

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 72 giờ tới: Từ Vĩ tuyến 15,0-20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Công điện chỉ đạo chủ động ứng phó mưa lớn và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão đi vào Biển Đông

Bão Trà Mi tàn phá Philippines, ít nhất 26 trường hợp tử vong

Ít nhất 26 người thiệt mạng, hơn 150.000 người buộc phải sơ tán khi bão Trà Mi đổ bộ vào lãnh thổ Philippines ngày hôm nay 24/10.

Hầu hết các trường hợp tử vong đều do chết đuối hoặc sạt lở gây ra. Trong số này, có tới 14 nạn nhân hiện đang sinh sống tại thành phố Naga.

Cơn bão với tên gọi địa phương là Kristine đã mang theo mưa lớn, gây ra lũ lụt và lở đất diện rộng tại đảo Luzon. Theo cơ quan khí tượng quốc gia Philippines, cơn bão có sức gió khoảng 95km/giờ, hiện đang di chuyển theo hướng tây qua vùng núi phía bắc Cordilera trước khi vào Biển Đông.

Hiện, các cơ sở kinh doanh, trường học, công sở đều đã dừng hoạt động để bảo đảm an toàn. Hàng chục chuyến bay bị hủy bỏ. Trong khi đó, hơn 163.000 người đang phải tạm trú tại các trung tâm di tản. Hầu hết trong số này là cư dân vùng Bicol.