Ngân hàng ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2025

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% vào năm 2026.

Thông tin trên được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) công bố ngày 9/4.

Ngân hàng ADB tổ chức họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 vào ngày 9/4. Ảnh: VnEconomy

Theo báo cáo, mức tăng trưởng của Việt Nam cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương - vốn được báo cáo ADB dự báo tăng trưởng 4,9% trong năm nay, giảm nhẹ so với mức 5% của năm ngoái. Đối với năm 2026, con số dự báo chỉ là 4,7%.

Trong đó, lĩnh vực dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ. Song mức dự báo này được các chuyên gia ADB tính toán trước khi Mỹ công bố các biện pháp thuế quan.

Về các rủi ro từ bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng ADB cho biết, môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Mỹ và căng thẳng địa chính trị đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các hàng hóa nông sản và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp duy trì xuất khẩu.

Ngân hàng ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2025. Ảnh minh họa

Về xu hướng đầu tư FDI, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế quan lên tới 46% có thể khiến các nhà đầu tư e ngại và làm giảm sút hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn FDI trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, để giảm thiểu rủi ro tăng trưởng trong năm 2025, Việt Nam nên đẩy mạnh kích cầu nội địa, thông qua tăng chi tiêu ngân sách cho hạ tầng, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước mà còn gia tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.

“Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng mới được Chính phủ công bố cho các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là bước đi kịp thời, thể hiện sự chủ động ứng phó với kịch bản thuế quan tiếp tục leo thang trong thời gian tới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Còn theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty nhận định, tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, việc Mỹ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai nhanh chóng và hiệu quả.

Lãnh đạo ADB nhấn mạnh, những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.