Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, ADB dự báo tăng trưởng GDP lên cao

Lý giải về nguyên nhân nâng dự báo GDP, ADB khẳng định hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sản xuất chế biến, chế tạo hoạt động mạnh mẽ hơn

Tại báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 và 2025 lần lượt lên 6,4% và 6,6%, tăng 0,4% so với dự báo được đưa ra hồi đầu tháng 10.

Cụ thể, với Việt Nam, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên mức 6,4%, so với dự báo trước đây là 6,0% trong năm 2024. Với năm 2025, tăng trưởng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 6,6% so với mức 6,2% trong dự báo trước đó.

tang-truong-viet-nam-1733926194.jpegSản xuất chế biến, chế tạo hoạt động mạnh mẽ hơn.
 

Theo ADB, hoạt động thương mại mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công và những chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa.

Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế của cả châu Á và Thái Bình Dương thì không tích cực như vậy. Mặc dù, tăng trưởng khu vực này sẽ vẫn ổn định trong năm nay và năm sau, nhưng dự kiến những thay đổi chính sách của Mỹ trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng tác động tới triển vọng dài hạn của khu vực, theo nhận định của ADB.

Những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và nhập cư của Mỹ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển.

Song những thay đổi chính sách quan trọng này dự kiến ​​sẽ mất thời gian và được triển khai dần dần, nên tác động đối với khu vực nhiều khả năng sẽ diễn ra từ năm 2026. Tác động có thể được nhận thấy sớm hơn nếu các chính sách được thực hiện sớm hơn và nhanh hơn dự kiến, hoặc nếu các công ty có trụ sở tại Mỹ tiến hành nhập khẩu trước để tránh thuế quan tiềm tàng.

Chính sách của chính quyền mới ở Mỹ làm chậm đà tăng trưởng

Theo báo cáo từ ADB, các nền kinh tế đang phát triển của Châu Á và Thái Bình Dương dự kiến ​ tăng trưởng 4,9% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo 5,0% của ADB hồi tháng 9.

Dự báo tăng trưởng năm tới giảm từ 4,9% xuống còn 4,8%, chủ yếu do triển vọng yếu hơn của nhu cầu trong nước ở Nam Á. Dự báo lạm phát của khu vực giảm từ 2,8% xuống 2,7% trong năm nay và giảm từ 2,9% xuống 2,6% vào năm tới, một phần là do giá dầu dự kiến ​​sẽ giảm nhẹ.

tang-truong-viet-nam-2-1733926194.jpegChính sách được chính quyền mới của Mỹ triển khai làm chậm đà tăng trưởng.
 

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định: “Nhu cầu trong nước và xuất khẩu tổng thể mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực này. Tuy nhiên, những chính sách dự kiến được chính quyền mới của Mỹ triển khai có thể làm chậm đà tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát ở mức độ nhất định tại Trung Quốc, nhiều khả năng diễn ra sau năm tới, đồng thời tác động tới các nền kinh tế khác ở châu Á và Thái Bình Dương”

Theo kịch bản rủi ro cao, ADB dự báo những thay đổi chính sách mạnh mẽ của Mỹ có thể làm giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 4 năm tới ở mức lũy kế 0,5 điểm %. Thuế quan trên diện rộng có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư quốc tế, dẫn tới sự dịch chuyển sang sản xuất trong nước tốn kém hơn.

Đồng thời, việc siết chặt nhập cư có thể làm giảm nguồn cung lao động của Mỹ. Kết hợp với lập trường chính sách tài khóa có khả năng mở rộng hơn dưới thời chính quyền Trump sắp tới, thuế quan và giảm nhập cư có thể khơi lại áp lực lạm phát tại Mỹ.

Bất chấp quy mô của những thay đổi chính sách dự kiến của Mỹ, đặc biệt về thuế quan, tác động đối với châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển là hạn chế theo kịch bản rủi ro cao này.

Ngay cả khi không có hỗ trợ chính sách bổ sung, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể chỉ giảm trung bình 0,3 điểm %/năm cho tới năm 2028. Tác động lan tỏa tiêu cực trên toàn khu vực, thông qua thương mại và các liên kết khác, có khả năng sẽ được bù đắp bằng việc chuyển hướng thương mại và dịch chuyển sản xuất từ ​​Trung Quốc sang các nền kinh tế khác.

Trong ngắn hạn, triển vọng của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực vẫn tương đối ổn định. Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc được giữ nguyên ở mức 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm tới. Triển vọng của Ấn Độ được điều chỉnh giảm từ 7,0% xuống còn 6,5% trong năm nay và từ 7,2% xuống 7,0% vào năm tới, do tăng trưởng đầu tư tư nhân và nhu cầu nhà ở thấp hơn dự kiến.

Triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm nay được nâng lên 4,7% từ mức dự báo 4,5% trước đó, nhờ xuất khẩu hàng chế tạo và chi tiêu đầu tư công mạnh hơn, dự báo cho năm tới được giữ nguyên ở mức 4,7%.

ADB cũng lưu ý rằng, ngoài sự không chắc chắn xung quanh những thay đổi chính sách của Mỹ, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng và lạm phát của châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển bao gồm căng thẳng địa chính trị leo thang cũng như tính dễ đổ vỡ của thị trường bất động sản tiếp diễn ở Trung Quốc.