Năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng hơn 31 tỷ USD

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, năm 2025 dự đoán lĩnh vực này có thể vượt mốc 31 tỷ USD.

Thông tin từ Bộ Công Thương, năm 2024, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company. Như vậy, trong khu vực, quy mô TMĐT Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có 116 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử, với tổng thu ngân sách đạt 19.774 tỷ đồng. Trong đó, số thu khai trực tiếp đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Các nền tảng lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix và Apple tiếp tục đóng góp một phần lớn vào nguồn thu này.

Cùng với sự gia nhập của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu, Shein, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về thuế từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế từ các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử trong 11 tháng đầu năm 2024 đã đạt khoảng 108.000 tỷ đồng.

Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 4 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm và được đánh giá cao xếp vào hàng đầu thế giới. Dự báo năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD. Tỷ lệ dân số tham gia TMĐT chiếm khoảng 60%, giá trị mua sắm trung bình ước đạt 400 USD/người/năm.

Kênh AppotaPay (dịch vụ kết nối thanh toán online) cũng đưa ra dự báo xu hướng TMĐT năm 2025 tại Việt Nam: Hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ. Trong khi đó, có đến 25% người tiêu dùng mua sắm online và 21% mua ngay lập tức. Dự báo năm 2025, TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.

Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ: "Quy mô thị trường Việt Nam rất lớn, dân số đông, tiếp cận những sản phẩm mới rất nhanh cũng như thu nhập của người dân đang tăng. Những người dân ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo vẫn có thể tiếp cận được, gần như là không có rào cản. Shopee chia sẻ sáng tạo, sự thay đổi trên thế giới cũng như tại Việt Nam về TMĐT cũng như công nghệ rất nhanh. Mong đợi của chúng tôi là các cơ quan chức năng có những cơ chế hỗ trợ để giúp DN, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh TMĐT mới".

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tỷ trọng của thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số nước ta. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.