Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong, trụ cột của nền kinh tế số

Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ…. cho thấy "cuộc đua" thương mại điện tử sẽ càng trở nên gay gắt hơn.

Năm 2024, tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) đã đạt hơn 20%, hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao (18-20%).

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam đã chứng kiến những bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử. Riêng năm 2023, quy mô thương mại điện tử đã đạt 20,5 tỷ USD, quy mô kinh tế số đạt 30 tỷ USD, nằm trong Top 3 Đông Nam Á và dự kiến đạt 45 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều dự báo, thương mại điện tử sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số.

Đáng nói, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Dự báo, xuất khẩu trực tuyến của nước ta có thể đạt tới 13 tỷ USD vào năm 2027. Với sự hỗ trợ đắc lực từ thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến Việt Nam sẽ bước từ giai đoạn “Khởi động” sang giai đoạn “Cất cánh”; mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.

Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong

Liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: "Những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, minh chứng rõ nét cho sự phát triển bền vững và tiềm năng của lĩnh vực này"...

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa

Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã, đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ…. cho thấy "cuộc đua" thương mại điện tử sẽ càng trở nên gay gắt hơn.

Minh chứng cho sự “nở rộ” các sàn thương mại điện tử chính là việc cả nước có sự hiện diện của 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách lên đến 19.774 tỷ đồng. Số liệu mới nhất cho thấy, riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù đã phát triển và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và có sự cạnh tranh gay gắt, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, thời gian tới, phía Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, bám sát tình hình phát triển thương mại điện tử trên thế giới và trong nước để kịp thời ban hành chính sách nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam; đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để tạo ra một môi trường thương mại điện tử an toàn, minh bạch, phát triển bền vững.

Thương mại điện tử là trụ cột của nền kinh tế số

Theo Bộ Công Thương, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, thương mại điện tử đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023 và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số. Trong khi đó, báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek dự báo, đến năm 2030, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực, sau Indonesia.

Kết quả này cho thấy, thương mại điện tử ngày càng khẳng định rõ vai trò là trụ cột của nền kinh tế số và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Giám đốc khu vực miền Bắc NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà thông tin, với dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet cao, lưu lượng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam hiện tăng 150% so với năm 2020, với lượt truy cập hằng ngày vào các trang thương mại điện tử đạt 3,5 triệu. Bên cạnh đó người dùng internet Việt Nam mua sắm hằng tuần đứng thứ 11 toàn cầu…

Với thương mại điện tử xuyên biên giới, số liệu từ Access Partnership cho thấy, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng. Nếu đẩy mạnh chuyển đổi số, đón đầu xu hướng và tận dụng ưu thế vượt trội của thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn khi tham gia thị trường thương mại điện tử. Đó là hạn chế về hạ tầng và công nghệ với chi phí đầu tư cao; chưa tối ưu hóa công nghệ do chưa tận dụng được công nghệ hỗ trợ, phân tích dữ liệu hay hệ thống quản lý khách hàng. Cùng với đó là khó khăn do thiếu nhân lực có trình độ công nghệ và tiếp thị số trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thay đổi “chóng mặt”…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, với đà tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2024 và các năm tiếp theo, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng chính là thời điểm để xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp, tổ chức trong bối cảnh mới.

Giải pháp phát triển thương mại nội địa bền vững

Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới mà bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, các xung đột giữa các nền kinh tế lớn trong các vấn đề về kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh đang diễn ra với nhiều chiều hướng khác nhau. Do đó, việc khắc phục các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, tận dụng thời cơ nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới, đột phá mới để lĩnh vực thương mại trong nước bứt tốc và phát triển các năm tới có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.

Liên quan đến nội dung trên, Vụ Thị trường trong nước cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

Tăng cường giáo dục nhận thức về phòng, chống lãng phí trong hoạt động quản lý, kinh doanh lĩnh vực thương mại trong nước: đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống lãng phí, nâng cao ý thức tiết kiệm các nguồn lực xã hội cho mọi đối tượng bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân, các chủ thể tham gia kinh doanh trong lĩnh vực thương mại trong nước.

Rà soát và đồng bộ hoá chính sách về phát triển thương mại trong nước: rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đặc biệt, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại trong nước theo hướng đồng bộ, tương thích với các luật, quy phạm pháp luật chuyên ngành khác đã được sửa đổi, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo thêm thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ thương mại trong nước: nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác công - tư.

Phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước: tăng cường đào tạo nhân lực có trình độ cao về quản trị, kinh doanh và ứng dụng công nghệ, đi đôi với đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu cho lao động của ngành, tạo sự chủ động về nguồn nhân lực phù hợp cho ngành trong bối cảnh mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lĩnh vực thương mại trong nước: khuyến khích chuyển đổi số, phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ số để gia tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí trong hoạt động kinh doanh, quản lý và khai thác các nguồn lực.

Hoàn thiện và thực thi hiệu quả cơ chế giám sát: rà soát, hoàn thiện các cơ chế giám sát phù hợp, hiệu quả đối với việc sử dụng các nguồn lực bao gồm tài nguyên, tài chính và lao động đối với lĩnh vực thương mại trong nước.

Trong kỷ nguyên mới, lĩnh vực thương mại trong nước đang đứng trước những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Việc phòng chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, mà còn đánh dấu bước chuyển mình đột phá của nền kinh tế quốc gia.