Thông báo của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) nêu rõ theo thỏa thuận, JPMorgan, ngân hàng lớn nhất Mỹ, sẽ mua lại toàn bộ các khoản tiền gửi, gần như tất cả tài sản của FRB. JPMorgan sẽ trả 10,6 tỷ USD cho FIDC để tiếp nhận quyền kiểm soát phần lớn tài sản của FRB và tiếp cận dữ liệu khách hàng của ngân hàng có trụ sở tại San Francisco này.
Trong khi đó, FDIC ước tính cơ quan này sẽ phải chi khoảng 13 tỷ USD từ quỹ bảo hiểm tiền gửi để bù đắp cho các khoản lỗ của FRB.
Các động thái trên diễn ra sau khi giới chức bang California chỉ định FDIC quản lý tài sản của FRB.
FRB trở thành ngân hàng có lượng tài sản lớn thứ hai bị sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4, giá trị của FRB chỉ còn 654 triệu USD, sụt giảm mạnh so với mức 20 tỷ USD vào đầu năm và 40 tỷ USD trong giai đoạn đỉnh vào tháng 11/2021. Sau khi ngân hàng này không đưa ra được kế hoạch giải cứu phù hợp và giá cổ phiếu lao dốc, nhà chức trách Mỹ đã phải can thiệp, tìm kiếm các bên mua tiềm năng và tiếp quản FRB.
Trong những tuần qua, FRB đã đối mặt với nhiều khó khăn sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới loạt ngân hàng cho vay trong khu vực. Giám đốc điều hành JPMorgan, Jamie Dimon hy vọng biện pháp trên sẽ giúp ổn định tình hình.
Trong một sự kiện tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh quyết định bán FRB. Ông nhấn mạnh những động thái này sẽ giúp đảm bảo hệ thống ngân hàng an toàn và vận hành tốt, bảo vệ tiền gửi của tất cả khách hàng mà không phải sử dụng đến tiền thuế của người dân.
Bên cạnh đó, ông cũng tiếp tục kêu gọi tăng cường giám sát các ngân hàng lớn và các ngân hàng trong khu vực.
Phản ứng trước diễn biến mới nhất liên quan đến FRB, cùng ngày, Bộ Tài chính Anh khẳng định hệ thống tài chính nước này vẫn an toàn và có đủ nguồn vốn. Người phát ngôn của bộ này nêu rõ vấn đề FRB chỉ liên quan đến nhà chức trách Mỹ.